Táo bạo khi quyết định nuôi đuông dừa
Dẫn PV Dân Việt đi thăm khu vực nuôi đuông dừa với hàng chục chiếc chậu nhựa được xếp lên nhau thành từng chồng năm ba chậu một, bên trong mỗi chậu là lúc nhúc những con đuông dừa béo ngậy đua nhau ngọ nguậy.
Vừa mở những chậu đuông dừa đầy ắp xơ dừa đến tận miệng chậu, anh Hà Đức Diện vừa chỉ vừa giới thiệu và chia sẻ về quá trình đến với mô hình nuôi đuông dừa như hiện nay của mình.
Anh Diện cho biết: “Tôi bắt đầu nuôi đuông dừa từ năm ngoái 2023, trước khi bắt tay vào mô hình này tôi cũng xem và học hỏi từ trên mạng sau đó tự mày mò dần và làm”.
Ban đầu, con giống (là con bọ cánh cứng) được anh Diện mua từ Tuyên Quang về rồi gây giống từ đó đến nay. Trong quá trình nuôi, đuông dừa gần như không bị bệnh tật gì cả mà lại phát triển rất tốt.
Đuông dừa được anh Diện nuôi trong các chậu nhựa rồi đậy lại bằng các tấm gỗ có khe hở nhỏ để giữ độ ẩm tránh nhộng bò ra ngoài. Hiện anh đang có khoảng 30 chậu nuôi đuông dừa như vậy với mỗi chậu 10 cặp con đực và cái.
Theo anh Diện, đuông dừa là loài côn trùng dễ nuôi, chỉ cần bỏ chút vỏ dừa lúc đầu là chúng có thể sống hết cả một quãng thời gian đến khi thu hoạch.
Thời gian nuôi đuông dừa rất ngắn, chỉ khoảng 20 – 25 ngày là có thể thu hoạch được tuỳ theo thời tiết, vào mùa lạnh nhộng phát triển chậm hơn thời gian có thể kéo dài lên tới 30 ngày mới thu hoạch.
Đặc biệt, cần chú ý vào mùa lạnh cần phải quây bạt kín xung quanh khu vực nuôi, đồng thời sưởi điện để tránh rét cho nhộng, vì nếu thời tiết quá lạnh nhộng sẽ không phát triển được và chết.
Đến kỳ thu hoạch nhộng sẽ nhặt riêng những con bán thương phẩm, còn lại với những con muốn gây giống sẽ tiếp tục giữ lại cho nhộng vào kén. Để phân biệt giữa con cái và con đực rất dễ chỉ cần dựa vào chiếc vòi của chúng, với con cái vòi sẽ thon nhọn và dài hơn, còn con đực vòi sẽ có lông xù lên.
Vòng đời của đuông dừa theo một chu kỳ khép kín, sau khi con mẹ đẻ hết trứng sẽ chết đi (trung bình mỗi con đẻ 3 lứa) rồi nhộng con phát triển đến lúc trưởng thành sẽ tiếp tục vào kén và lại trở thành con mẹ.
Từ lúc nhộng vào kén đến khi thành con mẹ cũng kéo dài trong khoảng thời gian từ 25 – 30 ngày. Thức ăn của đuông dừa cũng rất đơn giản, chỉ cần chút cám gạo trộn vào cùng với vỏ dừa chặt nhỏ sau đó ủ men cho lên men tự nhiên rồi thả con giống vào là có thể nuôi được.
Với mỗi chậu sẽ cho khoảng 3kg cám gạo kết hợp cùng nước tạo độ sền sệt sau đó trộn với nửa chậu vỏ dừa chặt nhỏ. Có một lưu ý đó là khi nhộng đã vào kén sẽ không ăn nữa nên thời điểm này sẽ không cần bổ sung thêm thức ăn.
Hiệu quả cao từ nuôi đuông dừa
Đến nay, mô hình của anh Diện đã xuất bán ra thị trường cả nhộng và con giống, với đầu ra tương đối tốt, thậm chí không có hàng để bán, trong đó nhộng được anh bán với giá 200.000đ – 250.000đ/kg, còn con giống được bán với giá 75.000đ/con.
” Nếu phát triển được mô hình này sẽ mang lại thu nhập tương đối tốt cho bà con, tuy nhiên do nguồn vỏ dừa ở khu vực rất hiếm nên tôi phải mua từ tận TP Thái Nguyên về do đó nhiều khi cũng hơi bất tiện”, anh Diện cho hay.
Ngoài nuôi đuông dừa, anh Diện còn kết hợp nuôi thêm dúi rừng với khoảng 300 con cho thu nhập tương đối ổn định khoảng trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Bà Ma Thị Quyên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghinh Tường (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đánh giá: Hiện nay, ngoài nuôi dúi thương phẩm và dúi sinh sản, anh Hà Đức Diện còn tìm tòi, học hỏi để nuôi thêm nhộng dừa và cọ bằng việc tận dụng những vỏ dừa bỏ đi làm thức ăn cho nhộng, mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Ngoài ra còn có thể tận dụng những thức ăn dư thừa từ các quán ăn góp phần bảo vệ môi trường rất tốt. Với mỗi kg nhộng được anh bán với giá từ 200.000 – 250.000đ/kg. Mặc dù mới bắt tay vào mô hình này được khoảng 1 năm nhưng đánh giá bước đầu mô hình này mang lại hiệu quả và đáng để mọi người học tập.