Chỉ với một loại vật nuôi “đen sì” hiền lành như cục đất, anh nông dân này đã thu về lợi nhuận khổng lồ 600 triệu đồng mỗi năm.
Trang trại nuôi ốc bươu đen của anh Tuy tại Thanh Hóa đã thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân, khi đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Để có được thành công như hiện nay, anh Tuy đã mạnh dạn đầu tư 9 ha đất dành riêng cho việc nuôi ốc bươu đen. Chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, anh Tuy cho biết, năm 2013, gia đình anh đã nhận 2 ha đất để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt; bước đầu, trang trại đã mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.
Khởi nghiệp ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm làm giàu tại quê hương, anh Tuy quyết tâm thực hiện bằng được. Với tinh thần “làm cho ra làm”, năm 2014, anh viết đơn và được chính quyền địa phương cấp thêm 7 ha đất để đầu tư mở rộng trang trại.
Sau một thời gian dài tìm kiếm định hướng mô hình nông nghiệp, năm 2020, anh Tuy tập trung phát triển đàn trâu, bò, kết hợp trồng lúa và nuôi cá truyền thống. Tuy nhiên, do giá cả thị trường không ổn định, thu – chi mất cân đối, nên thu nhập tăng không đáng kể.
Với số vốn ít ỏi, anh Tuy và vợ vừa làm vừa nghiên cứu cho đến năm 2021, khi họ quyết định chuyển hẳn sang sản xuất ốc thịt và ốc giống thương phẩm. Nhờ quyết định đúng đắn này, kinh tế gia đình anh ngày càng khởi sắc.
Để tập trung hoàn toàn vào chăn nuôi, anh Tuy đã xây dựng một ngôi nhà nhỏ mái bằng cho gia đình tại trang trại. Anh chia sẻ: “Khu trang trại tôi nhận thầu có diện tích khá lớn, khoảng 9 ha, trong đó có 1,5 ha là đất mà hộ dân chuyển nhượng.
Trang trại của tôi là một trong số ít trang trại tổng hợp có quy mô diện tích đất lớn nhất, nhì trong huyện, được sử dụng không thời hạn và hàng năm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách cho địa phương theo hợp đồng.”
Anh Tuy, người đã làm giàu nhờ loài vật đen sì hiền lành này, nhấn mạnh rằng nuôi ốc nhồi không hề khó. Thức ăn cho ốc dễ kiếm, dễ tiêu thụ và mang lại lợi nhuận cao, điều này đã tạo nên niềm đam mê đặc biệt của anh với nghề nuôi ốc. Không giấu diếm bí quyết kiếm tiền tỷ, anh Tuy sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật nuôi ốc của mình. Theo anh, ao nuôi phải được bơm cạn nước, diệt tạp, rải vôi bột, sau đó xả nước sạch vào ao và duy trì mực nước đều đặn từ 0,8 – 1 mét. Anh cũng bón phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) để tạo màu nước thích hợp cho ao.
Để tránh thiệt hại và rủi ro, anh khuyên nên dùng lưới làm mái che nắng, chắn gió rét và tạo nơi trú ẩn cho ốc vào mùa hè và mùa đông. Quanh ao cần vây lưới để ngăn ốc không vào bờ, tránh chuột và chim phá hoại. Anh cũng khuyến nghị không sử dụng thuốc diệt cỏ hay hóa chất diệt côn trùng, thay vào đó là dùng bẫy kẹp thủ công tự chế để bắt và diệt côn trùng rất hiệu quả, giúp tránh thiệt hại.
Về kỹ thuật ấp trứng ốc nhồi, anh Tuy cho biết rằng quá trình này khá đơn giản. Chỉ cần đặt trứng ốc vào các thùng xốp, ấp ở nhiệt độ 28-30 độ C trong khoảng 15-20 ngày (hoặc 30 ngày trong mùa lạnh), và duy trì chế độ phun nước sạch để giữ ẩm cho trứng. Nếu thiếu hoặc thừa nước, trứng sẽ bị hỏng. Với sự chăm sóc đúng cách, trứng sẽ nở thành ốc con.
Anh nông dân này chủ yếu sử dụng các loại rau củ như mướp, đu đủ, chuối, bèo, rau, đậu, khoai nước… Những loại rau củ này được rửa sạch, thái nhỏ và cho ốc ăn mỗi ngày một lần vào khoảng 7-8 giờ sáng. Bên cạnh đó, các loài phù du trong ao cũng cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho ốc. Nhờ tận dụng thức ăn tự sản xuất từ trang trại, ốc thương phẩm của gia đình anh Tuy khi bán ra thị trường đều sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như sức khỏe cho người tiêu dùng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Tuy còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động thời vụ địa phương với mức thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng.
Những năm gần đây, tại địa phương nơi anh Tuy sinh sống, không chỉ riêng anh mà nhiều người khác cũng làm giàu nhờ nuôi ốc bươu đen. Điển hình như hộ anh Phùng Văn Thương ở làng Yên Xá với 1,5 ha đất nuôi ốc thịt thương phẩm, mang lại thu nhập từ 100-120 triệu đồng mỗi năm; ông Tống Văn Quân ở làng Thổ Khối với 3 sào ao nuôi ốc thương phẩm, sau khi trừ chi phí cũng lãi từ 100-150 triệu đồng.
Sau một thời gian chăm chỉ làm ăn, anh Tuy đã đạt được thu nhập ổn định. Điển hình năm 2023, trang trại của anh tập trung sản xuất ốc thịt thương phẩm và đạt sản lượng lên đến 10 tấn. Đặc biệt, sau khi trừ các chi phí, anh nông dân này đã thu về lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng.