Với đặc điểm thời gian nuôi ngắn, chi phí thấp, dễ nuôi, dễ tiêu thụ, cô Trần Thị Vui ngụ ấp Phú Thọ, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã áp dụng thành công mô hình nuôi lươn không bùn, đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cô Trần Thị Vui có diện tích đất canh tác 2.000m2 trồng vú sữa tím do đất ở xa nhà nên gia đình cô xây dựng chòi để giữ vườn, kết hợp nuôi cá dưới ao.
Cây vú sữa mỗi năm chỉ thu trái có một vụ còn lại thời gian rất nhàn, qua theo dõi báo đài cô chọn mô hình nuôi lươn không bùn để góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Thời gian đầu nuôi thử nghiệm với quy mô nhỏ hộ gia đình, tuy gặp không ít khó khăn về kỹ thuật nuôi nuôi lươn, con lươn chỉ phát triển ở mức trung bình với tỷ lệ sống khoảng 60%, nhưng không nản chí, cô Trần Thị Vui liên hệ nhiều nơi hướng dẫn hiệu quả chưa cao, đến thu hoạch chỉ thu hồi được một phần vốn.
Gia đình cô Vui giao lươn thịt thương phẩm cho khách hàng. Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình cô vui ở ấp Phú Thọ, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Với quyết tâm làm lại từ đầu, cô Vui rút kinh nghiệm từ vụ nuôi vừa rồi nên xây dựng trại nuôi hoàn chỉnh với quy mô 100m2 trong vườn vú sữa.
Ngay dịp này vào khoảng giữa năm 2022, cô Vui được mời tham gia lớp tập huấn lớp FFS “Quy trình kỹ thuật nuôi lươn không bùn” do Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành tổ chức, từ khâu thả lươn giống nuôi vừa học, vừa thực hành được giáo viên hướng dẫn tận tình.
Cô được giới thiệu những nơi uy tính thu mua lươn thương phẩm cho bà con nên trong suốt quá trình nuôi lươn quản lý được dịch bệnh, giảm chi phí góp phần tăng lợi nhuận, đáp ứng được thị trường xuất khẩu.
Năm 2023, gia đình cô Trần Thị Vui cải tạo, vệ sinh hồ nuôi sau khi thu hoạch và được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành hỗ trợ 1.000 con lươn giống, gia đình cô Vui đối ứng thêm 5.000 con lươn giống khác để đầu tư nuôi vụ mới.
Trong quá trình nuôi, cô Vui nhận thấy lươn là loại con rất dễ nuôi, cách chăm sóc không cầu kỳ, tỷ lệ con giống sống đạt trên 95% và đặc biệt có giá trị kinh tế cao.
Chia sẽ về kỹ thuật nuôi lươn, cô cho biết: “Nuôi lươn không khó, tuy nhiên phải bỏ công chăm sóc, thường xuyên theo dõi lươn phát triển để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Thức ăn của lươn chủ yếu là thức ăn công nghiệp.
Để nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả, ngoài con giống, thì nguồn nước sử dụng khi nuôi rất quan trọng. Mỗi ngày cần thay nước trong bể nuôi ít nhất 2 lần để làm sạch môi trường nước, phòng tránh bệnh cho lươn.
Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc… nên khi nuôi trong bể xi măng người nuôi phải tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon.
Ngoài ra, lươn thường gặp về bệnh đường ruột, nấm… nên công tác phòng bệnh định kỳ cho lươn cũng được chú trọng”. Sau 10 tháng nuôi, cô Vui thu hoạch được 1,2 tấn, với giá lươn bán 95.000 đồng/kg (tuyển bán lẻ cho các vựa ở chợ giá 130.000đồng/kg), sau khi trừ chi phí lời được 30.000.000 đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) – Tô Văn Cần cho biết: “Mặc dù nuôi lươn trong bể xi măng không phải là mô hình mới tại xã Đông Phú nhưng đây được xem là một trong những mô hnh mang lại hiệu quả kinh tế cao vì tiết kiệm tối đa diện tích nuôi, hạn chế thức ăn dư thừa, dễ phát hiện các loại bệnh, màu sắc lươn bắt mắt, dễ tiêu thụ”…
Với sự nhạy bén, kiên trì và quyết tâm làm giàu trên chính quê hương của mình, cô Trần Thị Vui đã gặt hái được những kết quả từ mô hình nuôi lươn không bùn. Hy vọng, trong thời gian tới, mô hình này sẽ ngày càng đạt năng suất và chất lượng cao, cung cấp ra thị trường những mặt hàng sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.