Nuôi các loài động vật nhuyễn thể, có chủ trang trại thủy sản ở Ninh Bình thu tiền tỷ

Nghề ươm, nuôi hàu giống đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các xã như: Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông…huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Cũng nhờ nuôi loài động vật nhuyễn thể này, có trang trại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nhiều lợi thế phát triển con hàu giống

Huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế nói chung và hoạt động nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Nuôi các loài động vật nhuyễn thể, có chủ trang trại thủy sản ở Ninh Bình thu tiền tỷ- Ảnh 1.

Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình với nhiều lợi thế phát triển nghề ươm, nuôi con hàu. Ảnh: VT

Trong số các loài thủy sản đang được chú trọng phát triển tại huyện Kim Sơn, con hàu giống, loài động vật nhuyễn thể đang nhận được sự quan tâm lớn của địa phương.

Chia sẻ tới Dân Việt, ông Vũ Văn Tấn-Trưởng Phòng NNPTNT huyện Kim Sơn cho biết: “Nghề nuôi hàu giống trên địa bàn có khoảng từ năm 2016, tập trung nhiều ở các xã Kim Đông, Kim Hải và Kim Trung. Hiện nay sản xuất hàu giống đang là một trong những thế mạnh, đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều ngư dân vùng ven biển Kim Sơn”.

Nuôi các loài động vật nhuyễn thể, có chủ trang trại thủy sản ở Ninh Bình thu tiền tỷ- Ảnh 2.

Nghề ươm hàu giống đem lại nguồn thu ổn định cho nhiều ngư dân vùng ven biển Kim Sơn. Ảnh:TD

Nuôi các loài động vật nhuyễn thể, có chủ trang trại thủy sản ở Ninh Bình thu tiền tỷ- Ảnh 3.

Những giá thể để ấu trùng hàu bám vào. Ảnh: TD

Theo ông Tấn, huyện Kim Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế sản xuất giống hàu như: Điều kiện tự nhiên thuận lợi, các chỉ số môi trường rất phù hợp để phát triển giống hàu; chất lượng giống hàu Kim Sơn cao hơn so với các địa phương khác cũng như giống hàu nhập ngoại với tỉ lệ sống cao hơn, sản lượng, năng suất cao hơn…

Nhận thức rõ những lợi thế không nơi nào có được, huyện Kim Sơn đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Gây giống, phát triển tảo làm thức ăn cho hàu, cải tạo hệ thống thủy lợi, xử lý nguồn nước…

Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc cam kết trong Bản ghi nhớ về việc phối hợp cung ứng, quản lý chất lượng giống nhuyễn thể với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh ký năm 2020. Nhờ đó, đã hình thành và phát triển được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàu giống.

Nuôi các loài động vật nhuyễn thể, có chủ trang trại thủy sản ở Ninh Bình thu tiền tỷ- Ảnh 4.

Năm 2023, hộ gia đình anh Sơn thu nhập khoảng 400 triệu đồng từ ươm con hàu giống. Ảnh: TH

Nuôi các loài động vật nhuyễn thể, có chủ trang trại thủy sản ở Ninh Bình thu tiền tỷ- Ảnh 5.

Môi trường nước tự nhiên để phát triển con hàu giống. Ảnh: TD

Trò chuyện với Dân Việt, anh Phạm Văn Sơn (xã Kim Hải, huyện Kim Sơn) nói: “Tôi bắt đầu nuôi, ươm con hàu giống từ năm 2019, trang trại gia đình được xây dựng trên diện tích khoảng 2 mẫu, với các hạng mục như: Nhà ươm hàu, nhà nuôi tảo, phòng dưỡng tảo…”.

“Năm 2023, gia đình tôi có thu nhập khoảng 400 triệu đồng từ nghề ươm, nuôi con hàu giống. Hiện tại, tôi đang tu sửa lại các hạng mục để tiến hành ươm lứa hàu giống mới”, anh Sơn thông tin.

Nuôi các loài động vật nhuyễn thể, có chủ trang trại thủy sản ở Ninh Bình thu tiền tỷ- Ảnh 6.

Hàu giống Kim Sơn (huyện Kim Sơn) được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Ảnh: MĐ

Qua tìm hiểu, hàu giống Kim Sơn đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Hàu giống huyện Kim Sơn”. Bởi thế, giống hàu Kim Sơn có giá cao hơn và được ưa chuộng ở hầu hết các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng… Đặc biệt, Kim Sơn cũng đã có quy hoạch cho vùng sản xuất giống, đây cũng là lợi thế tiềm năng rất lớn cho sản xuất hàu giống tại địa phương.

Một xã có doanh thu 60 tỷ đồng

Kim Trung là xã có địa hình thổ nhưỡng phù hợp để sản xuất hàu giống với hệ thống kênh mương được tu sửa thường xuyên, tạo điều kiện cấp – tiêu nước theo thủy triều cho các hộ sản xuất.

Nuôi các loài động vật nhuyễn thể, có chủ trang trại thủy sản ở Ninh Bình thu tiền tỷ- Ảnh 7.

Nghề ươm, nuôi hàu giống đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TD

Qua đó, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị tư vấn, trình HĐND xã điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, còn tạo điều kiện để người dân sản xuất giống thủy sản tập trung ven hệ thống kênh cấp I, từ đó giúp bà con làm giàu từ nuôi hàu giống.

Ông Vũ Trường Thu-Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: “Hiện, trên địa bàn xã Kim Trung có khoảng 630 hộ nuôi trồng thủy sản với diện tích 277 ha; trong đó, riêng nuôi hàu giống diện tích khoảng 120 ha, đem lại lợi nhuận cao.

Năm 2023 sản lượng hàu giống toàn xã hơn 3 tỷ con giống, doanh thu đạt 60 tỷ đồng. Có thể khẳng định, nuôi hàu giống là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi tôm, cua biển, lại ít tác động ảnh hưởng nhiều đến môi trường”.

Nuôi các loài động vật nhuyễn thể, có chủ trang trại thủy sản ở Ninh Bình thu tiền tỷ- Ảnh 8.

Bên trong trang trại nuôi, ươm hàu giống tại Ninh Bình. Ảnh: TD

Ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ về đất, hiện xã Kim Trung đang tập trung vào việc kêu gọi nguồn lực đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống kênh mương vùng nuôi trồng thủy sản, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Ông Vũ Trường Thu nói, dù biết hiệu quả từ nghề ươm, nuôi hàu giống đem lại kinh tế cao, nhưng hướng tới xã không mở rộng thêm diện tích, mà thay vào đó tập trung nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu nổi bật cho con hàu.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình hiện tại toàn vùng có hơn 350 cơ sở với diện tích hơn 354 ha sản xuất ngao giống, hàu giống. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện lên đến hơn 4.467 ha; trong đó, giống hàu đạt 13,5 tỷ con.

Cũng trong năm 2023, doanh thu từ nghề nuôi hàu giống trên địa bàn huyện đạt khoảng 240 tỷ đồng, có nhiều trang trại thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Điều này cho thấy, nghề nuôi hàu giống ở huyện Kim Sơn đang phát triển rất tốt và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.