Nông dân Sóc Trăng làm gì với cây mận xanh đường mà chúng ra toàn trái to bự, thương lái săn mua?

Cho cây mận xanh đường ở trong nhà lưới, sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng VietGAP… nông dân Sóc Trăng bắt cây mận cho trái ngon ngọt quanh năm, đem về nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

Tỉnh Sóc Trăng là địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Trong đó, huyện Long Phú được xem là nơi đi đầu khi bà con mạnh dạn đầu tư trồng cây mận xanh đường có giá trị kinh tế cao nhờ được thị trường ưa chuộng.

Nông dân Sóc Trăng làm gì với cây mận xanh đường mà chúng ra toàn trái to bự, thương lái săn mua?- Ảnh 1.

Với hàng trăm gốc mận xanh đường đang cho trái quanh năm đã đem về nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Sơn, nông dân ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng. Ngoài ra, để tăng thêm nguồn thu, ông Sơn còn chiết nhánh bán lại cho các nhà vườn trong và ngoài tỉnh khi họ có như cầu trồng loại cây này. Ảnh: Hồng Thạch.

 

Ở ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) khi nói đến người “cha đẻ” của phong trào trồng mận xanh đường, người ta sẽ nhắc ngay đến ông Nguyễn Hồng Sơn – một nông dân với quyết tâm bám lấy đồng ruộng để làm giàu.

Ông Sơn cho biết, bản thân vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ ông đã theo cha, chú ra đồng, nên ông hiểu và quý giá trị của từng tấc đất. Sau ngày lập gia đình, nhiều năm trước trong một lần đến nhà người quen chơi, ông được cho 2 cây giống mận xanh đường đem về trồng.

“Khi cây lớn cho trái ăn rất ngon ngọt nên tôi quyết định nhân giống chúng, khi thấy cây mận xanh đường phát triển rất tốt trên đồng đất nhà mình”, ông Sơn kể.

Nông dân Sóc Trăng làm gì với cây mận xanh đường mà chúng ra toàn trái to bự, thương lái săn mua?- Ảnh 3.

Theo ông Sơn, các nhà vườn trồng cây mận xanh đường luôn phải đầu tư hệ thống nhà lưới bao quanh, việc này giúp cây mận tránh được sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vừa an toàn thực phẩm, vừa giúp cho người tiêu dùng có lòng tin vào sản phẩm của mình. Ảnh: Hồng Thạch.

 

Đến năm 2019, ông Sơn bắt đầu chiết nhánh và nhân giống loại cây mận xanh đường này. Tính đến thời điểm hiện tại, ông có hơn 600 cây, với diện tích trồng gần 14.000 m2 đất của gia đình.

“Hiện tại tôi có trên 300 cây mận xanh đường được 6 năm tuổi và đã cho thu hoạch quanh năm, với khoảng 12 trái/kg.

Đặc biệt, loại trái này đặc ruột và ăn rất ngọt, người tiêu dùng rất ưa chuộng”, ông Sơn nói và cho biết, quân bình mỗi năm ông có nguồn thu hơn 300 triệu đồng từ vườn mận.

Theo lời lão nông này, thấy được hiệu quả kinh tế cây mận xanh đường mang lại, thời gian tới, ông sẽ mở rộng thêm trồng khoảng 14.000 m2 diện tích trồng thêm 1.500 gốc.

 

Để bảo vệ trái mận tránh các loài sâu bệnh gây hại, ông Sơn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới bao phủ toàn bộ diện tích trồng.

Do giảm nhiều sâu bệnh nên chủ vườn cũng không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Huệ Trí – Trưởng ban nhân dân ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú cho biết, theo cách làm của ông Sơn thì khi cây mận xanh đường cho trái, người trồng phải bọc lưới hay là làm nhà lưới để tránh sâu bệnh và làm đạt về năng suất.

“Với giá bán dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/kg, cùng với thu hoạch quanh năm, sau khi trừ chi phí, nhà vườn còn lãi vài trăm triệu đồng”, ông Trí cho biết.

 

Nói về mô hình trồng mận xanh đường tại địa phương, ông Võ Quốc Khanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu, huyện Long Phú cho biết, Hội Nông dân của xã sẽ thành lập chi hội nghề nghiệp trước, sau đó nhân rộng ra tổ hợp tác, và hướng tới hợp tác xã khi đã nhân rộng mô hình để đề nghị công nhận sản phẩm OCOP.

Theo Phòng NNPTNT huyện Long Phú, toàn huyện có khoảng hơn 10 ha diện tích đất trồng mận xanh đường. Thấy được tiềm năng kinh tế của cây trồng này, huyện đã triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ cho bà con trồng tại hộ, hiện ở các mô hình đều đã cho trái đạt năng suất, sản lượng tốt.