Skip to content
Tận dụng những mảnh đất chưa xây dựng hiện đang bỏ không, nhiều người dân sinh sống ở các khu chung cư quanh đó đã phát cỏ khai hoang, cuốc đất lên luống trồng rau ăn, một bài toán kinh tế mà an toàn.
Ở khắp Hà Nội không thiếu những khu chung cư mới được xây dựng nằm ở xa trung tâm thành phố, giáp ranh với các huyện ngoại thành. Nhiều người vui miệng còn nói rằng ở “nơi đồng không mông quạnh”, mở cửa sổ ra nhìn thấy những cánh đồng bỏ hoang. Sống xung quanh những mảnh đất màu mỡ bị bỏ hoang, trong khi đó rau, củ, quả thì ra chợ mua từng đồng. Không ít gia đình đã tranh thủ lúc rảnh rỗi kéo nhau ra những bãi trống phát cỏ dại, cuốc đất khai hoang lấy đất trồng rau, hoa màu.
Phần lớn các gia đình sống ở chung cư là người ngoại tỉnh, xuất thân từ cây lúa đi lên. Khi an cư lập nghiệp họ mới đón ông bà, bố mẹ từ quê nhà lên ở cùng để chăm sóc con cái.
Chị Trần Thị Bích Phượng, một nhân viên ngân hàng làm việc ở Hà Nội. Người ngoại tỉnh nên từ bé chị Phượng đã thạo việc cấy lúa trồng rau. Sau khi mua một căn chung cư ở quận Hà Đông, xung quanh còn nhiều bãi đất trống đang bỏ hoang, dự án nhưng chưa xây dựng. Chị Phượng bàn với mẹ chồng rồi mua dụng cụ làm nông, hai mẹ con cứ cuối tuần hay hôm nào đi làm về sớm là ra cắt cỏ, cuốc đất, trồng rau.
Chị Phượng cho biết thêm, chỉ sau khoảng một tháng, gia đình đã khai hoang được nửa sào đất để trồng rau, mùa nào trồng rau mùa đó nên cả nhà không lo đi chợ mua rau, thậm chí nhiều quá ăn không hết còn cho cả hàng xóm. Ngoài trồng rau, chị còn trồng thêm đỗ tương, đỗ đen, lạc…
Một người làm, rồi những người khác nhìn đó làm theo, buổi chiều đến phía sau nhiều khu chung cư ở Hà Nội biến thành những cánh đồng rau thu nhỏ. Anh Bùi Văn Thanh người quê (Vĩnh Phúc) cũng sống ở một khu chung cư. Anh Thanh cho biết, ngoài trồng để lấy rau ăn thì nó còn là một thú vui mỗi chiều đi làm về. Cuốc đất khác gì tập thể dục, khi mình làm lụng con cái nhìn vào đó, chúng sẽ thấy được cuộc sống thực tế chứ không phải chỉ nhìn trên sách vở.
Bà Nguyễn Thị Lành quê ở (Mê Linh, Hà Nội) đi theo trông cháu cho người con cả, vốn là người nông dân chân lấm tay bùn ngày ngày quanh quẩn bên ruộng đồng. Ngày lên ở với con nhìn thấy những mảnh đất trống bỏ hoang, bà Lành đã nghĩ ra ý tưởng sẽ khai hoang một miếng đất để trồng rau, một công đôi việc vừa đỡ chán mà lại có rau sạch để ăn. Ban đầu ý tưởng này của bà Lành bị con cái phản đối vì họ nghĩ đã lên thành phố ai lại mang cuốc, xẻng vào nhà, đi lại thì thang máy, còn người này người kia.
Nhưng rồi bà Lành vẫn quyết tâm làm, chỉ một tháng sau, con trai với con dâu “phục” bà sát đất khi bà đưa họ ra chiêm ngưỡng vườn rau mà bà đã bỏ công sức ra vun trồng. “Tôi tìm mãi mới mua được một bộ cuốc xẻng, liềm, hàng ngày tôi tranh thủ lúc sáng sớm ra cắt cỏ rồi bỏ đó, một vài hôm trời nắng tôi gom lại rồi đốt lấy tro. Sạch cỏ tôi bắt đầu cuốc đất, lên luống, mỗi ngày một ít, gom lại cũng được vài luống đất chỉ việc trồng rau. Sau hơn một tháng trời gia đình đã có rau sạch để ăn”, bà Lành chia sẻ.
Theo một số người dân chuyên khai hoang đất trồng rau ở các khu chung cư cho biết, khó khăn nhất trong việc trồng rau chính là nguồn nước tưới. Trước khi khai hoang mọi người còn ngắm nghía đủ kiểu, phải tìm xem chỗ nào tiện với nguồn nước để còn lấy nước tưới. Nhà nào khai hoang trước thường lựa chọn được những nơi đất trũng, xung quanh có thể có những hố nước vì đây là đất dự án bỏ hoang.
“Bây giờ nhìn luống rau thì thấy đơn giản thế thôi chứ làm mới biết khó khăn lắm, đất thì tạp nham, sỏi đá, bê tông rất nhiều. Để làm đất gieo được hạt rau chúng tôi phải nhặt bỏ đi từng hòn đá nhỏ. Nhiều nhà còn bỏ công sức đào hố sâu để giữ nước, hay thu gom, đi xin từng hộp xốp đựng hoa quả về mang ra vườn rau để tích nước. Trời mưa rau lên tốt lắm, nhưng trời nắng khoảng vài ngày thôi thì rau héo úa, già, cứng, nhiều lúc phải tích nước từ nhà cho vào can nhựa rồi mang ra tưới rau”, một người dân chia sẻ.
Giàn đậu đũa của một gia đình đang phát triển tốt, đang ra hoa. Mấy hôm nay Hà Nội mưa nhiều, rau màu của người dân phát triển xanh tốt. “Đang trong thời kỳ dịch bệnh nên người dân không thể ra ngoài, nếu không chiều đến cả khu vực này đông vui lắm, trẻ con chạy nhảy, người lớn cuốc đất trồng rau, phụ nữ thì hái rau chuẩn bị cho bữa tối, đông vui lắm”, một người dân chia sẻ.
Rau trồng nhiều ăn không hết, nhiều gia đình nghĩ đến việc trồng thêm một số loại cây hoa màu khác như sắn, lạc, ngô. Mỗi nhà một khoảng đất, ngăn cách bởi hàng rào được cắm bởi những que củi khô. Có nhà thì trồng hàng củ sả để làm hàng rào, nhà nào cần ăn thì nhổ.
Một mảnh đất mới được người dân phát cỏ khai hoang, đất được cuốc thành luống đợi ngày gieo hạt. Mảnh đất nằm lọt thỏm giữa những bãi cỏ lau tốt ngập đầu người.
Điều hướng bài viết