1 – Trước khi thuê phòng trọ
Trước khi quyết định “chốt” thuê phòng trọ (nhà trọ), bạn cần có một vài lưu ý nhất định để việc lựa chọn phòng trọ không trở thành một quyết định sai lầm và 1 lần chuyển mới có thể xảy đến.
1.1 – Chọn mức giá phòng phù hợp chi tiêu
Một mức giá phòng trọ phù hợp là tiêu chí đầu tiên mà bạn cần phải đưa ra. Việc đặt ra một khoản tiền nhất định để lựa chọn phòng trọ sẽ giúp bạn nhanh chóng “tìm – lọc” được các phòng trọ ưng ý.
Tùy theo nhu cầu và thu nhập mà bạn có nhiều lựa chọn loại phòng trọ khác nhau: thuê phòng nguyên căn, thuê phòng riêng khép kín, thuê phòng trong dãy trọ sinh hoạt chung, phòng trọ chung cư mini,….
1.2 – Xác thực người cho thuê chính là chủ nhà
Hãy luôn chắc chắn rằng người thực hiện ký hợp đồng cho thuê phòng trọ là người có quyền sở hữu hoặc có năng lực sở hữu xét theo quy định pháp luật đối với nhà trọ đó (chính chủ).
Bạn không nên ký hợp đồng với một người khi chưa biết chắc chắn phạm vi quyền hạn của họ, khi mà không biết họ có được phép để cho bạn thuê phòng trọ hay không.
Vì thế, trong hợp đồng hãy vạch sẵn ra một điều khoản liên quan đến quyền cho thuê để đảm bảo không ảnh hưởng đến các vấn đề về sau. Và cũng nên chú ý kiểm tra đầy đủ giấy tờ từ phía người cho thuê để xác nhận (Bước này tuy có vẻ đơn giản nhưng cẩn trọng là trên hết).
1.3 – Xác định vị trí thuận tiện nhất
Khi tìm thuê phòng trọ, hãy lên danh sách những địa điểm mà bạn thường xuyên phải đi tới.
Ví dụ thực tế đó là như nơi làm việc, trường học, địa điểm hoạt động cá nhân,… Điều này giúp bạn dễ dàng khoanh vùng được khu vực nhất định để tìm phòng trọ đáp ứng thuận tiện cho nhu cầu đi lại của bạn.
Việc chọn phòng trọ gần các địa điểm trên sẽ tránh gây mất thời gian của chính bạn. Đặc biệt là khi đường phố ùn tắc thì bạn không bị lãng phí thời gian, hít bụi đường một cách bất lực nhé!
1.4 – Chọn phòng trọ đảm bảo điều kiện sinh hoạt
Phòng trọ đảm bảo điều kiện sinh hoạt tức là cần phải sạch sẽ, thoáng mát và không bị ẩm thấp, mối mọt. Cùng với đó là hệ thống đèn điện, mạng và ống nước trong nhà phải được đảm bảo tốt.
Bạn sẽ không hề muốn sống trong một căn phòng trọ mà thi thoảng lại bị hư hỏng hệ thống điện nước chút nào (mùa hè mà mất nước thì có lẽ bạn sẽ chạy ra nhà nghỉ).
Bên cạnh đó, phòng trọ phải đảm bảo những điều kiện sinh hoạt khác như giờ giấc, phí sinh hoạt hợp lý,… Hay khu vực của phòng trọ có an ninh đảm bảo (camera, bảo vệ,…) cũng là điều mà các bạn nên chú ý và cân nhắc đến.
1.5 – Đảm bảo hệ thống cửa ra vào an toàn
Trường hợp nhiều phòng trọ đã đóng cửa nhưng vẫn bị trộm cạy khóa, dùng gậy khều để lấy đồ đạc,… Và khi sống ở một phòng trọ không đảm bảo an toàn sẽ khiến bạn luôn trong trạng thái thấp thỏm, lo âu.
Chính vì thế, khi xem phòng trọ, bạn cần phải xem cửa ra vào lẫn cửa sổ có chắc chắn an toàn không (khóa vặn 2 lớp sẽ tốt hơn khóa sập, tuyệt hơn là khóa thẻ, khóa văn tay).
2 – Sau khi quyết định “đồng ý” thuê phòng trọ
Khi đã chọn được phòng trọ đáp ứng được các tiêu chí của bạn thì tiếp theo đến việc thương thảo và làm hợp đồng cùng chủ nhà.
2.1 – Làm hợp đồng thuê phòng trọ
Điều khoản quan trọng trong “Hợp đồng thuê phòng trọ” đầu tiên là thống nhất vấn đề tiền bạc. Tiền là vấn đề khá tế nhị, chính vì thế ngay từ đầu cần “đặt thẳng vấn đề” để về sau không xảy ra xích mích.
Những “khoản tiền” cần thiết phải đóng cho chủ nhà bao gồm: tiền cọc phòng (tiền cam kết sau khi kết thúc hợp đồng sẽ được hoàn lại cho người thuê), tiền thuê phòng, tiền điện nước, tiền vệ sinh, tiền wifi,…
Trong “hợp đồng thuê phòng trọ” cũng cần có những điều khoản đảm bảo quyền lợi nhất định cho cả hai bên và thời hạn hợp đồng chỉ nên ở khoảng 6 tháng đến 1 năm. Không nên làm hợp đồng quá dài hạn dù giá thuê phòng trọ có “hời” đến đâu.
2.2 – Thủ tục đăng ký tạm trú
Thủ tục đăng ký tạm trú là điều nhất định phải thực hiện nếu bạn không muốn bị phạt tiền khi có chính quyền đến thanh tra đột xuất. Việc tạm trú không đăng ký sẽ được xem là trái pháp luật và không hợp tác để đảm bảo an ninh khu vực.
Việc đăng ký tạm trú cần thực hiện ngay khi vừa ký kết hợp đồng thuê nhà. Hồ sơ đăng ký tạm trú sẽ được trình lên cơ quan thẩm quyền, mà ở đây chính là công an phường, quận, huyện, thị xã,….
Việc đăng ký tạm trú thường sẽ do chính chủ nhà đi thực hiện, người thuê chỉ việc đưa CMND hoặc căn cước (bản gốc hoặc bản photo có công chứng). Nếu chủ nhà không thực hiện việc này thì bạn có thể đến ngay đồn công an tại khu vực nơi thuê phòng trọ để đăng ký tạm trú.
Các bước thực hiện không khó khăn và cũng không tốn nhiều thời gian đâu nhé.
Hãy nhớ những lưu ý mà chúng tôi đã nói với bạn ở trên, chúng có thể sẽ hữu ích cho việc thuê phòng của bạn. Chúc bạn tìm thuê được căn phòng phù hợp nhé!