Công nhân khó mua được nhà dù là nhà ở xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng xây nhà cho công nhân thuê là phương án khả thi nhất hiện nay.
Với giá thuê hiện tại, công nhân đã than khó. Liệu họ sẵn sàng trả nhiều hơn cho một nơi ở tươm tất? Câu trả lời với nhiều người là không. Thay vì thêm chi phí trả tiền nhà, họ muốn tiết kiệm “để mua một miếng đất ở quê hoặc để dành lo cho gia đình”.
Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu!
Hai vợ chồng đi làm từ sáng tới chiều, tăng ca 18h mới về. Tới nhà chỉ ăn ngủ chứ ở hết nhiêu đâu nên tiết kiệm dành dụm về quê, nuôi con cái ăn học. Đó là triết lý của vợ chồng chị Võ Thị Tiếp (41 tuổi, quê Tiền Giang).
Thuộc nhóm lương khá so với mặt bằng chung của công nhân, nhưng họ lập tức trả lời không trước câu hỏi “Liệu có muốn ở một nơi tươm tất, rộng rãi hơn nhưng giá chừng 3 triệu thay vì 1,5 triệu/tháng như hiện tại không?”.
Chị Tiếp kể cha mẹ đều ở quê nên cũng tính làm chừng vài năm nữa thôi rồi về quê để tiện chăm sóc cha mẹ hai bên. Chị đã làm hơn 10 năm ở công ty hiện tại, sống sót qua đợt cắt giảm vừa rồi và trụ lại đến giờ với thu nhập 10 – 11 triệu đồng/tháng. Còn chồng chị sau nhiều năm làm sản xuất cũng chuyển qua làm văn phòng với mức lương ngang ngửa.
Căn nhà trọ hiện tại khoảng 10m2, đủ kê cái giường nhỏ, tủ lạnh, bếp nấu ăn và phần gác lửng cất đồ đạc. So với mấy khu chung quanh, khu trọ này được cho là khang trang hơn nhiều rồi. Chủ trọ có tâm nên mấy năm nay chỉ tăng giá chút đỉnh, nhờ vậy mà ở bền.
“Nếu sửa sang to hơn chắc phải xây mới, có khi giá tăng gấp đôi. Giờ đang 1,5 triệu, sửa lại cỡ 3-4 triệu. Giá đó chắc hai vợ chồng không ở nổi” – chị Tiếp bộc bạch.
Trường hợp khác, đã 14 năm làm công nhân một công ty da giày nhưng chị Nguyễn Thị Xanh (33 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng chồng vẫn chỉ ở trọ. Công nhân lâu năm như chị mức lương khoảng 11 – 11,5 triệu đồng, chồng làm bên ngoài trên dưới 10 triệu đồng. Thế nhưng hai vợ chồng chỉ muốn ở trọ giá chừng 2 triệu đồng trở lại chứ không muốn trả hơn.
Chị Xanh nói con cái gửi ở quê, ở đây chỉ có hai vợ chồng đi làm tối ngày cần gì nhiều, chỉ không ngập và thông thoáng là đủ. Thu nhập thuộc hàng top của công nhân, lại chăm chỉ đi làm phục vụ quán ăn, nhà hàng vào cuối tuần kiếm thêm song hai vợ chồng chị Xanh vẫn chật vật với dự định xây lại căn nhà ở quê cho tươm tất.
“Đi làm cuối tuần cũng kiếm đủ trả tiền nhà trọ. Tiền lương hai vợ chồng vẫn đang cố tích cóp, cũng để dành được một khoản nhưng ước chừng mới 2/3 dự tính thôi nên chưa dám làm. Con cái, bố mẹ đều ở quê, vài năm nữa chắc vợ chồng tôi cũng về quê, tìm nơi nào gần nhà mà làm” – chị Xanh dự tính.
Lo tiết kiệm dành cho con
Với nhóm công nhân lương 6-7 triệu đồng/tháng, làm sao nghĩ tới về quê mua đất xây nhà khi trang trải còn chưa đủ, nói gì trả tiền thuê nhà 3-4 triệu đồng/tháng. Chị Lê Thị Lan (công nhân may tại quận 12, TP.HCM) cho biết mấy năm nay công ty khó khăn, lương cả hai vợ chồng chỉ khoảng 12 – 13 triệu đồng mà vừa nuôi hai đứa con vừa lo cho mẹ nên chỉ tạm đủ ăn. Giờ mà tăng tiền nhà thêm một vài triệu nữa biết lấy khoản nào bù vào.
Không còn nhà hay đất dưới quê, đón mẹ già lên ở cùng, nhưng cả hai chưa tính toán dự định nhà cửa gì.
Nhẩm tính mỗi tháng tiền trọ và điện nước khoảng 2 triệu, gửi hai con đi học rồi tiền sữa, tiền trường khoảng 4-5 triệu nữa. Còn lại 5-6 triệu để dè sẻn chi tiêu, ăn uống hằng ngày của ba người lớn và hai đứa nhỏ mới vừa đủ.
“Giờ thêm bớt khoản nào cũng khó. Chỉ hy vọng thời gian tới công ty có đơn hàng ổn định hơn may ra thu nhập mới đỡ xíu để còn tích cóp phòng thân, lo cho con cái sau này” – chị Lan bộc bạch.
Cũng có hai con nhỏ đang tuổi ăn học, thu nhập chưa qua nổi con số 10 triệu đồng/tháng nên hai vợ chồng chị Kim Trang (35 tuổi, quê Bạc Liêu) tằn tiện lắm mới có thể tạm trang trải cuộc sống. Chị Trang kể phải gửi hai đứa nhỏ đi nhà trẻ suốt mấy năm qua tốn kém lắm. Năm nay đứa lớn 6 tuổi vào lớp 1, đứa nhỏ mới 4 tuổi nên vẫn phải gửi nhà trẻ.
“Giờ chỉ cố gắng lo làm để nuôi hai đứa ăn học chứ cũng không làm thêm được việc gì khác nữa. Mấy năm tới thu nhập chưa biết sao chứ hiện tại cứ thiếu trước hụt sau, vẫn phải vay mượn tháng này đắp tháng kia. Tiền thuê trọ hiện nay mỗi tháng 1,5 triệu, điện nước cộng vào là khoảng 2 triệu mà cũng thấy khó rồi, nói gì tăng nữa sao chịu nổi” – chị Trang nói.
Sửa nhà trọ, giá cho thuê sẽ 4-5 triệu đồng/tháng
Chủ một khu nhà trọ 90 phòng tại đường Nguyễn Triệu Luật (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết lần gần nhất là năm 2018 đã cải tạo, sửa sang, nâng nền chống ngập cả khu trọ với số tiền khoảng 2,3 tỉ đồng. Chủ trọ này nói sửa sang xong cũng phải đến tận năm ngoái mới hòa vốn. Mà đó là kinh doanh nhà trọ trên đất của gia đình nên còn có lời, chứ mấy khu trọ khác phải thuê đất thì càng khó.
Nếu cải tạo, phòng sẽ xây lại rộng hơn với diện tích khoảng 15m2 (so với diện tích cũ chừng 9-10m2). “Nhưng lúc đó giá thuê mỗi tháng phải cỡ 4 triệu đồng trở lên mới được, chứ giá hiện tại chỉ từ 1,1 triệu đồng/phòng à. Mấy năm nay kinh doanh nhà trọ khó khăn quá, nhiều năm rồi chúng tôi cũng không tăng giá” – chủ trọ này chia sẻ.