Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng thêm tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, độ mặn xâm nhập sâu, sớm và cao ở nhiều nơi. Để chăm sóc, bảo vệ cây ăn trái, nhất là cây sầu riêng- loại cây có khả năng chịu mặn thấp, ngành chức năng cùng nông dân đã thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, mùa khô năm nay được đánh giá sẽ diễn ra khắc nghiệt với nắng nóng, nhiệt độ cao, nhiều khu vực sẽ có nguy cơ bị nhiễm mặn. Do vậy chế độ chăm sóc vườn giúp cây tăng sức chống chịu là cần thiết nhằm chuẩn bị tốt cho các vụ mùa tiếp theo.
Trong đó, cây sầu riêng được xếp vào nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn, cũng là cây chịu hạn kém. Theo nhiều nhà vườn, trong điều kiện nắng nóng, khô hạn, cây sầu riêng thường bị cháy chóp lá, cháy đầu lá, gây ảnh hưởng đến khả năng quang hợp và tổng hợp dinh dưỡng của cây.
Khi bị nhiễm mặn, rễ cây không thể hút được nước, dinh dưỡng, các quá trình sinh lý trong cây bị rối loạn, sinh trưởng của cây bị ức chế, trường hợp nặng, vượt quá khả năng chịu đựng, cây sẽ bị “sốc mặn”, cháy rễ, héo lá hàng loạt, cháy lá, rụng lá, rụng bông, rụng trái non, nếu không xử lý kịp thời có thể làm cho cây bị chết.
Nhà vườn trồng cây ăn trái, trồng sầu riêng ở Vĩnh Long cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ vườn cây sầu riêng mùa hạn, mặn.
Rút kinh nghiệm từ 2 mùa hạn, mặn năm 2015-2016 và 2019-2020, những năm gần đây, nhà vườn trồng sầu riêng cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô. Chú Phan Thanh Liêm (xã Chánh An, huyện Mang Thít) cho biết: “Tôi có 4 công vườn trồng sầu riêng.
Trong những ngày nắng nóng, thì mặt đất rất dễ bị bay hơi nước gây khô hạn. Nhất là trong giai đoạn hạn mặn đang xâm nhập như hiện nay thì phải có nhiều cách bảo vệ vườn cây.
Do đó, tôi dùng rơm rạ, cỏ khô, đắp thêm sình bùn… phủ xung quanh gốc cây để giữ ẩm. Đồng thời, tôi cũng lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm thời gian, nước tưới và đạt hiệu quả cao trong thời tiết nắng nóng”.
Có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng, chú Nguyễn Văn Ba (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Nắng nóng, hạn mặn cây sầu riêng thường bị cháy lá, chăm sóc không đúng cách sẽ dẫn đến thiệt hại nặng.
Cách để vườn sầu riêng vượt qua thời điểm hạn mặn là tôi đầu tư hệ thống tưới và phun thuốc tiết kiệm nước, kiểm tra nồng độ mặn trước khi cho nước vào. Đồng thời, tôi cũng chủ động cung cấp các dưỡng chất cho sầu riêng trước khi hạn mặn đến.
Tôi cũng phun phân bón lá giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn. Bên cạnh đó, tôi cập nhật thường xuyên thông tin về dự báo xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng ngăn mặn kịp thời hoặc lấy nước vào vườn”.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, việc chăm sóc cây trồng vào mùa khô là rất quan trọng để đảm bảo cho cây trồng phát triển và sinh trưởng tốt, cũng như giữ cho chúng không bị chết khô.
Trong đó, cây sầu riêng là loại cây trồng mẫn cảm với mặn (chỉ chịu được nồng độ mặn dưới 1‰ (dưới 1 g/lít), đồng thời cũng là cây chịu hạn kém. Để bảo vệ vườn sầu riêng, nhà vườn cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiệt hại. Cụ thể, phải kiểm tra nồng độ mặn trước khi lấy nước vào vườn và trước khi tưới cho cây. Tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao hơn 1 g/l (1‰); không nên tưới nước có độ mặn cao hơn 0,5 g/l (0,5‰). Củng cố hệ thống đê bao, tu sửa cống, bộng của vườn để tránh nước mặn xâm nhập.
Đồng thời, cải tạo mương chứa để dự trữ nước ngọt, hoặc trữ trong những túi nilon dày để tưới cho cây trong những tháng nước mặn. Tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trước khi xâm nhập mặn để giảm nhu cầu nước của cây. Tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô…
Sử dụng nấm mycorrhiza, trichoderma kết hợp phân hữu cơ để tăng khả năng chống chịu với hạn mặn và ức chế gây hại của vi sinh vật gây bệnh.
Bón phân lân, vôi để hạn chế sự thu hút các ion Cl, Ca vào trong cây. Khi quá trình hạn, mặn kéo dài, cần phun thêm phân bón lá và các chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn.
Ngoài ra, nhà vườn cũng có thể bón phân trung và vi lượng có chứa Ca, Mg, Si, các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ (phân cá, rong biển, than bùn…), các chế phẩm có chứa proline, brassinosteroid (hormone thực vật) để làm tăng tổng hợp chlorophyll và quang hợp, để vừa tăng khả năng chống chịu của cây. Không xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái.
Nếu vườn cây bị khô hạn, hoặc nhiễm mặn, cần chú ý bón bổ sung phân kali và vôi bột. Sau hạn mặn, cần phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật phục hồi cây sầu riêng.
Ông Nguyễn Văn Liêm khuyến cáo, một trong các cách chăm sóc vườn cây trong mùa nắng nóng rất quan trọng là việc tưới đủ nước cho cây. Thời tiết nắng nóng khiến nước dễ bay hơi, cây dễ bị mất nước và cần phải bổ sung nước liên tục cho cây sinh trưởng và phát triển.
Ngoài ra, khi nhiệt độ tăng cao làm cho đất cũng khó giữ đủ độ ẩm để đáp ứng lượng nước hấp thụ đặc biệt nhiều của cây vào mùa nắng. Vì vậy, cần phải tưới nước cho cây mỗi ngày vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, khi nhiệt độ ngoài trời đã giảm.
Lưu ý: Các nhà vườn không nên tưới trực tiếp trên tán lá cây vì giọt nước còn đọng lại trên lá khi mặt trời lên cao sẽ làm cháy lá hoặc dễ mang mầm bệnh cho bộ tán lá phía trên.
Cũng cần lưu ý dù mùa nắng cần tưới nhiều nước nhưng cũng không nên lạm dụng tưới quá nhiều nước dẫn đến độ ẩm đất cao là điều kiện để các loại nấm và cỏ dại phát triển mạnh, cũng gây nhiều tác hại cho cây trồng.