Hàng chục di tích thuộc diện nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam) đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập, khiến người dân sống trong cảnh bất an.
Sống khổ trong di tích
Ngôi nhà 23 Tiểu La (phường Minh An) là nơi sinh sống của ông Dương Thanh Cường (SN 1955) và 5 người trong gia đình. Ông Cường là thế hệ thứ 4 đang giữ gìn ngôi nhà cổ thuộc di tích loại 4 này.
Trải qua cả thế kỷ hứng chịu thiên tai cùng sự bào mòn của thời gian, căn nhà hiện đã xuống cấp trầm trọng. Bốn bức tường chằng chịt vết nứt, bong tróc vôi vữa. Các đòn tay mục nát, yếu ớt.
“Với hiện trạng này, ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng của cả gia đình tôi”, ông Cường buồn rầu nói.
Ông cho biết thêm, do là di tích nên người dân không được tự ý sửa nhà. Chính quyền địa phương từng cho người đến khảo sát và đề nghị hỗ trợ kinh phí tu bổ. Tuy nhiên, theo tính toán, việc trùng tu phải tốn ít nhất vài tỷ đồng.
“Họ nói Nhà nước sẽ hỗ trợ 40 – 60%, còn lại chủ di tích góp thêm. Nhưng điều kiện gia đình tôi khó khăn, không kham nổi số tiền đối ứng nên đành để vậy”, ông Cường cho hay.
Tọa lạc trên con đường được vinh danh là 1 trong 71 con đường đẹp nhất thế giới do tạp chí kiến trúc uy tín Architectural Digest tổng hợp, căn nhà số 68 Trần Phú là nơi cư ngụ của cụ Ngô Thị Gần (83 tuổi) và 2 người chị ruột ngót nghét tuổi 90.
Theo cụ Gần, do bị ngâm nước lụt hàng năm nên sau mỗi mùa mưa, căn nhà của cụ lại thêm rệu rã, thỉnh thoảng từng đụn gỗ từ trần nhà bị mối ăn vụn lại rơi xuống.
Để khắc phục tình trạng này, đơn vị quản lý di tích đã dùng gỗ mới gia cố các trụ cũng như đòn tay hư hỏng. Còn trần nhà thì được chắp vá bằng những tấm bạc để bớt dột.
“Mang tiếng có nhà nhưng mưa gió to là chị em tôi phải dìu nhau qua hàng xóm ở nhờ. Tôi lo không biết căn nhà có trụ nổi qua mùa bão năm nay không. Nói thật, giờ tôi chỉ cầu trời cho người chết trước, rồi nhà sập sau cũng đành”, cụ Gần trải lòng.
Cùng hoàn cảnh, cứ đến mùa mưa bão, bà Trần Thị Thanh Tâm lại nơm nớp lo sợ viễn cảnh nhà cửa đổ sập. Hiện bà Tâm cùng 4 người trong gia đình đang sống tại căn nhà khoảng 50m2 tại 56/10 Lê Lợi.
Theo bà Tâm, căn nhà gần 200 tuổi, thuộc di tích loại 1 này đã bộc lộ dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng từ 10 năm trước. Vào mùa mưa bão, nỗi bất an của gia đình càng nhân lên gấp bội.
“Mùa nắng còn chịu nóng được, chứ mùa mưa thì nước lênh láng khắp nhà. Lấy thau hứng chỗ này thì chỗ khác lại dột.
Sợ nhất là bão, cứ hễ nghe đài báo gió to là chồng tôi lại cõng mẹ già 93 tuổi đi sơ tán. Năm nào cũng vậy, khổ trăm bề”, bà Tâm than thở.
36 nhà cổ thuộc diện xuống cấp
Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, khảo sát hơn 1.000 di tích thì có 36 nhà cổ thuộc diện đã xuống cấp. Trong đó, 10 nhà xuống cấp nghiêm trọng, 17 nhà xuống cấp nặng, 9 nhà xuống cấp nhẹ.
Theo ông Ngọc, thành phố luôn tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ di tích thực hiện việc tu bổ theo đúng quy định.
Đối với các di tích xuống cấp nghiêm trọng, không còn giải pháp chống đỡ, thuộc sở hữu tập thể, đơn vị đã tham mưu UBND TP Hội An xin chủ trương UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ để kịp thời cứu di tích.
“Trong lúc chờ ý kiến trả lời từ tỉnh, mới đây trung tâm đã đề nghị UBND TP Hội An cân đối ngân sách để tu bổ, cứu nguy các di tích xuống cấp nghiêm trọng theo thẩm quyền, xem xét cơ chế hỗ trợ đặc biệt 100% trong thời gian sớm nhất”, ông Ngọc nói.
Ông Ngọc cho biết thêm, với những nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân, ngoài việc được hỗ trợ kinh phí trùng tu (40 – 70%), nếu chủ nhà gặp khó khăn không đủ kinh phí đối ứng, Nhà nước sẽ cho vay 3 năm đầu tiên không lãi suất, sau đó chủ nhà từ từ hoàn trả.