Người dân làm đủ mọi cách nhưng vải thiều vẫn không ra hoa, tỉnh Bắc Giang thất thu 100.000 tấn vải

Những ngày này, bà Liễu Thị Nga, thôn Ngọt, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chỉ quanh quẩn làm việc nhà và chăm cháu nội. Bà Nga bảo, nếu cùng thời điểm năm trước, người dân “tối mắt, tối mũi” chăm vải thiều đang thời kỳ ra hoa thì năm nay gần như mất trắng.

Mùa vải “đắng” ở Lục Ngạn

Đi trên Quốc lộ 31 chạy qua huyện Lục Ngạn, nhìn hai bên đường là một màu xanh ngút ngàn của vải thiều, cam, bưởi… Tuy nhiên, chia sẻ với PV Dân Việt, đa phần người dân cho biết, năm nay thời tiết bất lợi nên rất nhiều diện tích vải thiều bị mất trắng do không ra hoa.

Những ngày này, bà Liễu Thị Nga, thôn Ngọt, xã Hồng Giang, chỉ quanh quẩn làm việc nhà và chăm cháu nội. Diện tích vải thiều của gia đình bà chỉ có 300 gốc vải chín muộn và 100 gốc vải chín sớm nhưng mỗi năm cũng cho nguồn thu 300 triệu đồng. “Năm nay gần như toàn bộ diện tích vải chín muộn không ra hoa, không chỉ gia đình tôi mà hầu hết tất cả các hộ trong thôn cũng đều bị như vậy”, bà Nga buồn bà nói.

Bà Nga cho biết, tỷ lệ ra hoa của vải thiều chính vụ có năm cao, năm thấp nhưng chưa năm nào lại rơi vào cảnh mất trắng như năm nay. Ngay từ đầu vụ, bà Nga và các hộ trồng vải thiều đã tích cực chăm sóc cây, quy trình kỹ thuật không có gì khác biệt so với mọi năm, tuy nhiên cây vải vẫn không ra hoa, thậm chí có cây không ra lộc. Điều này khiến bà và hàng nghìn người dân trồng vải ở Lục Ngạn rất hoang mang vì cả năm nguồn thu chỉ trông chờ vào vụ vải nhưng một mùa vải thất thu đã hiện rõ.

“Từ đầu vụ, tôi đã bỏ gần chục triệu đồng để mua phân bón, rồi làm đủ mọi cách nhưng cây vải vẫn không ra hoa…”, bà Nga nói.

Người dân làm đủ mọi cách nhưng vải thiều vẫn không ra hoa, tỉnh Bắc Giang thất thu 100.000 tấn vải- Ảnh 1.

Bà Liễu Thị Nga, thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngan) cho hay, 300 gốc vải chín muộn của gia đình năm nay đều mất trắng do cây không ra hoa. Ảnh: Minh Ngọc

Chia sẻ với Dân Việt, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân ở thôn kép 1, xã Hồng Giang cho biết vụ vải năm nay, HTX nguy cơ sẽ mất 350 tấn quả vì nhiều diện tích đến hiện tại không thấy ra hoa (tổng sản lượng trung bình các năm trước của HTX 450 – 500 tấn).

Theo ông Dũng, các đơn vị chuyên môn đang xác định nguyên nhân khiến vải không ra hoa nhưng theo kinh nghiệm thì vụ vải năm nay thời tiết nắng ấm nhiều, không có rét kéo dài có thể là nguyên nhân khiến cây vải không ra hoa, nảy lộc.

“Không biết nguyên nhân cụ thể là gì nhưng các thành viên của HTX đều buồn bã. HTX cũng đã rất lo lắng vì có nguy cơ không đủ sản lượng để cung cấp cho các bạn hàng đã làm ăn với nhau nhiều năm trước đó”, ông Dũng giãi bày.

Người dân làm đủ mọi cách nhưng vải thiều vẫn không ra hoa, tỉnh Bắc Giang thất thu 100.000 tấn vải- Ảnh 2.

Vợ ông Cặm, xã Hộ Đáp (Lục Ngạn) đang tranh thủ băm sắn làm thức ăn cho đàn gà. Ảnh: Minh Ngọc

Từ xã Hồng Giang, PV Dân Việt ngược 20km lên xã Hộ Đáp (Lục Ngạn). Hộ Đáp là xã nằm cạnh hồ Cấm Sơn đẹp thơ mộng là vậy nhưng trên nét mặt của người dân nơi đây không giấu nổi sự buồn bã khi nhiều diện tích vải thiều cũng bị mất mùa.

Theo đó, xã Hộ Đáp duy trì sản xuất hơn 600 ha vải thiều. Trong đó, hơn 500 ha được sản xuất theo quy trình VietGAP và 6 ha vải thiều nằm trong mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hướng hữu cơ.

Khi chúng tôi đến, vợ chồng ông Lục Văn Cặm (dân tộc Nùng), thôn Na Hem, xã Hộ Đáp đang thay nhau trông đứa cháu nội cho người con trai đang đi làm thuê và băm ít sắn cho đàn gà hơn chục con. “Vải năm nay mất mùa nên tôi tranh thủ nuôi tăng thêm đàn gà để có thu nhập”, ông Cặm nói.

Gia đình ông Cặm là một trong những hộ tiêu biểu trồng vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX Dịch vụ tổng hợp Hộ Đáp. Vải được cấp mã số vùng trồng, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách ghi nhật ký, năm 2023, ông “bỏ túi” hơn 200 triệu đồng từ bán vải.

Tuy nhiên, vụ vải thiều 2024, gia đình ông Cặm và nhiều hộ trồng vải ở Hộ Đáp buồn thiu khi vải không ra hoa. Có kinh nghiệm hàng chục năm trồng vải thiều, nhận thấy điều bất thường, ông Cặm đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua phân để bón thúc cho cây ra hoa, đồng thời khứa thân cây thành hình tròn, đường kính 2-3cm, sau đó lấy băng dính quấn quanh thân cây… nhưng cây vải vẫn không ra hoa, ông đành “bó tay” bỏ mặc hơn 1 tháng nay.

Người dân làm đủ mọi cách nhưng vải thiều vẫn không ra hoa, tỉnh Bắc Giang thất thu 100.000 tấn vải- Ảnh 3.

Ông Lục Văn Cặm (dân tộc Nùng), thôn Na Hem, xã Hộ Đáp đã làm đủ mọi cách những vẫn phải “bó tay” nhìn hàng trăm gốc vải không thể ra hoa. Ảnh: Minh Ngọc

Trao đổi với Dân Việt, ông Hứa Văn Chung, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hộ Đáp cho biết, toàn bộ diện tích gần 40ha (cả liên kết) của HTX năm nay đã không ra hoa. Đây là hiện tượng rất lạ, chưa từng gặp trên cây vải.

Theo ông Chung, thời điểm này mọi năm, bạn hàng khắp nơi đã tìm về thăm vườn vải để khảo sát, đặt vấn đề hợp tác, thu mua, nhưng năm nay tuyệt nhiên vắng bóng. Không những vậy, nỗi buồn của người trồng vải lại càng nhân lên khi nhiều hộ đã chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư như phân bón, thuốc BVTV (trả chậm, khi nào thu hoạch mới khấu trừ) để chuẩn bị chăm sóc vườn vải nhưng bây giờ không dùng đến, cũng không biết nên xử lý chúng thế nào.

“Chưa tính chi phí phân bón, thuốc BVTV, công lao động đã bỏ ra, trung bình mọi năm các diện tích vải của HTX đạt năng suất 8 – 9 tấn/ha, với giá bán 14.000 đồng/kg thì năm nay thiệt hại của HTX không hề nhỏ. Nhiều HTX có diện tích vải chín muộn trên địa bàn huyện cũng rơi vào hoàn cảnh này, quả thực đây là một mùa vải đắng ở Lục Ngạn”, ông Chung nói.

Bắc Giang thiệt hại 100.000 tấn vải thiều

Ông Chu Văn Báo, Phó Trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn cho biết, toàn huyện có trên 17.300 ha vải thiều, trong đó vải chín sớm khoảng 4.000 ha (tỷ lệ ra hoa đối với vải chín sớm năm nay tỷ lệ đạt 70%); Sản lượng ước đạt gần 50.000 tấn (vải chín sớm khoảng 21.400 tấn, chính vụ khoảng 28.500 tấn). Sản lượng này chỉ bằng 50% so với với vụ vải năm 2023.

Hiện nay, trà vải sớm đang trong giai đoạn hình thành, phát triển quả; trà vải Thanh Hà, vải chính vụ đang trong giai đoạn nở hoa, hình thành quả. Đây là thời điểm rất quan trọng trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại, đặc biệt là sâu đục cuống quả. Nếu không phòng trừ kịp thời, sâu non sẽ phát sinh gây hại từ giai đoạn quả non, gia tăng phát sinh gây hại các giai đoạn kế tiếp và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng quả vải.

Nói về nguyên nhân nhiều diện tích vải thiều không ra hoa, ông Báo cho hay, thời tiết thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2024 ấm hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 – 1,5 độ C. Các đợt rét đậm, rét hại ngắn ngày kèm theo độ ẩm cao, ảnh hướng tới quá trình ra hoa của cây vải.

Người dân làm đủ mọi cách nhưng vải thiều vẫn không ra hoa, tỉnh Bắc Giang thất thu 100.000 tấn vải- Ảnh 4.

Ông Hứa Văn Chung (bên trái), Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hộ Đáp cho biết, năm nay 40 ha vải thiều chín muộn của HTX không ra hoa. Ảnh: Minh Ngọc

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Bắc Giang, qua việc phối hợp cùng Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục BVTV) kiểm tra thực tế tại các vùng vải trên địa bàn tỉnh cho thấy, sản xuất vải thiều năm 2024 gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi thời kỳ phân hóa mầm hoa, đặc biệt đối với trà vải chính vụ. Tỷ lệ vải ra hoa đạt rất thấp so với năm 2023 (trung bình chỉ đạt 46,6%). Cụ thể, vải sớm tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt trên 80%, vải chính vụ tỷ lệ ra hoa chỉ đạt khoảng 40%.

Nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ ra hoa thấp do mùa đông năm 2023 nhiệt độ trung bình cao hơn so với những năm gần đây khoảng 1,5 độ C. Các đợt rét đậm đến muộn làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa, ra hoa của cây vải, nhất là trà vải chính vụ. Cụ thể, từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2024 có các đợt không khí lạnh mạnh, ngắn ngày, kèm theo mưa nhỏ kéo dài khiến độ ẩm không khí, độ ẩm đất cao làm một số diện tích vải thiều chính vụ xuất hiện mầm hoa sớm bị thui mầm hoa.

Từ giữa tháng 2 thời tiết có nền nhiệt độ, ẩm độ không khí cao, kèm theo độ ẩm đất cao làm cho nhiều diện tích vải còn lại có hiện tượng ra lộc hoặc ra hoa kèm lộc làm ảnh hưởng đến năng suất.

Về yếu tố canh tác, thời vụ, trong 3 năm (2021 – 2023) vải thiều Bắc Giang được mùa liên tiếp, do đó những vườn không được chăm sóc tốt và bón phân đầy đủ, đúng thời điểm sẽ có hiện tượng cây bị suy kiệt, không ra đủ các đợt lộc, đặc biệt đối với vườn cây vải lâu năm (20 – 30 năm tuổi) làm ảnh hưởng đến quá trình ra hoa vụ vải năm 2024.

Với tỷ lệ vải ra hoa rất thấp, dự kiến với tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang khoảng 29.700ha, sản lượng vải năm nay ước chỉ đạt khoảng 100.000 tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023). Cụ thể, vải chín sớm 7.700 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải chính vụ 22.000 ha, sản lượng ước 50.000 tấn. Vụ vải năm nay, Bắc Giang tiếp tục duy trì tốt các diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82ha, sản lượng ước đạt 500 tấn.

Thời gian thu hoạch vải năm nay dự kiến từ ngày 20/5 – 30/7 (vải sớm từ ngày 20/5 – 15/6, vải chính vụ từ ngày 10/6 trở đi).