Trong lúc bỏ chạy cảnh sát, Lê Tiến Dũng đâm vào loạt xe khác, người dân bức xúc đuổi theo, dùng mũ bảo hiểm, vật dụng khác đập phá cửa kính để khống chế tài xế.
Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang tạm giữ hình sự Lê Tiến Dũng (SN 1987, trú tại huyện Ý Yên, Nam Định) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.
Chiều 15/3, Lê Tiến Dũng lái xe bán tải chạy trốn cảnh sát, gây tai nạn liên hoàn ở Hà Nội. Khi dừng được xe của Dũng trên đường Vành đai 3 trên cao, nhiều người bức xúc dùng mũ bảo hiểm, vật cứng đập vỡ cửa kính xe để khống chế tài xế đưa ra ngoài.
Trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc người dân đập kính ô tô bắt giữ Lê Tiến Dũng là cần thiết và hợp pháp.
“Kết quả xác minh bước đầu, hành vi của người lái xe ô tô bán tải là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và cố ý làm hư hỏng tài sản.
Việc người dân chặn bắt người đàn ông này là cần thiết để ngăn chặn hậu quả tai nạn giao thông có thể xảy ra, bảo vệ tính mạng sức khỏe tài sản của những người tham gia giao thông”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Theo ông Cường, tài xế không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra hành chính khi có hành vi đỗ xe sai quy định, lên xe bỏ chạy và tông vào nhiều xe trên đường, tiếp tục bỏ chạy cho đến khi người dân chặn đường, giữ được. Trường hợp không ngăn chặn kịp thời thì tính mạng, sức khỏe, tài sản của những người tham gia giao thông trong khu vực đó có thể bị xâm phạm bởi hành vi mất kiểm soát của Lê Tiến Dũng.
Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm tài xế dương tính với ma túy. Trong tình trạng mất kiểm soát hành vi do bị tác động bởi chất ma túy, người này hoàn toàn có thể gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Luật sư Cường nêu quan điểm, việc người dân đập phá kính, lôi người này xuống xe để cơ quan chức năng bắt giữ là trường hợp bắt người phạm tội quả tang, là trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc là “tình thế cấp thiết” không phải là tội phạm. Pháp luật cho phép công dân được quyền bắt giữ những đối tượng như thế này, trong quá trình bắt giữ có thể gây ra thiệt hại hoặc thương tích nhưng vẫn được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Hành vi của tài xế bán tải là vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khi không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông. Nghiêm trọng hơn, hành vi có thể được xác định là chống người thi hành công vụ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội nên vụ việc này có thể xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Hành vi này cũng có thể bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự bởi được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bởi vậy, những người chứng kiến sự việc hoàn toàn có quyền bắt giữ tài xế bán tải để giao nộp cho cơ quan điều tra. Trong quá trình bắt giữ có thể gây ra thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người này khi không còn cách nào khác thì đó là hành vi hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Hình sự là hành vi “gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội” – gây thiệt hại trong trường hợp này để bắt giữ người phạm tội quả tang nên sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, Điều 23 Bộ luật Hình sự quy định về tình thế cấp thiết cho phép người dân gây ra thiệt hại nhỏ để tránh những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể xảy ra, để bảo vệ tính mạng sức khỏe tài sản của những người tham gia giao thông.
“Một số người dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính chắn gió để bắt giữ tài xế bán tải là cần thiết, được pháp luật cho phép theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 Bộ luật Hình sự hiện hành, vì vậy họ không bị xử lý, không phải bồi thường thiệt hại”, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nêu quan điểm.
Ông Cường phân tích thêm, nếu người điều khiển phương tiện say rượu, bia hoặc dùng chất cấm dẫn đến mất khả năng kiểm soát hoặc dễ bị kích động không kiểm soát được hành vi thì tính chất nguy hiểm sẽ tăng gấp đôi, “nguồn nguy hiểm cao độ” được điều khiển bằng một “người nguy hiểm” (mất kiểm soát về hành vi), chiếc xe đó thực sự là “hung thần” trên xa lộ.
“Dù tài xế bị thiệt hại về tài sản, về sức khỏe cũng không có quyền yêu cầu những người bắt giữ lại phải bồi thường vì pháp luật cho họ được quyền bắt giữ người phạm tội quả tang bằng những hành động như vậy để tránh có thể gây thiệt hại thêm cho những người khác, để bảo vệ tính mạng sức khỏe tài sản của những người khác“, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.