Dưới cái nắng oi ả của những ngày giữa tháng 3, PV cùng cán bộ Hội Nông dân xã Văn Lem (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đến thăm gia đình chị Y Đam (trú thôn Măng Rương).
Trong thời gian lúc chờ đợi chúng tôi, chị Y Đam trang thủ làm các vặt chồi, tỉa cành cho cà phê của gia đình. Thấy khách đến, chị vội lau mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, rồi mời chúng tôi lên nhà uống nước.
Trong ngôi nhà cấp 4 khang trang, chị Đam kể lại, trước đây, gia đình có tổng cộng 8 ha đất trồng mỳ. Tuy nhiên, mì nhiều năm rơi vào tình trạng “được mùa-mất giá” và ngược lại. Từ đó, cuộc sống gia đình chẳng khá lên được.
Năm 2013, vợ chồng chị mới quyết định chuyển một phần diện tích đất mỳ kém hiệu quả sang trồng cà phê và sử dụng số vốn dành dụm được mua trâu về nuôi. Kể từ đó, hai vợ chồng luôn đồng lòng chung sức, miệt mài làm lụng nên cuộc sống gia đình ngày một ổn định hơn.
Đến nay, từ hai con trâu ban đầu thì gia đình đã phát triển thành đàn 6 con; diện tích chỉ vài sào cà phê lúc đó giờ đã được mở rộng lên 2 ha, trung bình thu được 20 tấn tươi/năm; 4 ha đất trồng mì còn lại cũng thu được 40 tấn/vụ; bên cạnh đó, chị cũng đã chuyển 2 ha đất sang trồng cây cao su (được 3 năm tuổi, chưa thu hoạch). Từ việc bán cà phê và mì, trừ đi mọi chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập được hơn 200 triệu đồng.
“Vì là một xã thuần nông, tập quán canh tác vẫn còn lạc hậu nên không riêng gì gia đình tôi mà đa số đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng không vì thế mà nản lòng, gia đình tôi đã tích cực chăm chỉ lao động sản xuất, đồng thời luôn chủ động học hỏi cách làm mới trong phát triển kinh tế gia đình”, chị Đam chia sẻ.
Năm 2022, trong một lần thăm qua vườn cà phê của họ hàng tại thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô), chị Đam đã được chia sẻ về phương pháp chế biến cà phê nhân. Sau đó, chị liền về bàn bạc với chồng mua máy xay xát cà phê để mùa vụ mùa 2023 thử làm cà phê nhân. Không ngoài dự tính, năm đó, gia đình chị bán cà phê lãi hơn so với mọi năm.
“Vụ thu hoạch năm vừa rồi, gia đình tôi thu được hơn 20 tấn cà phê tươi. Vì bận việc gia đình, nên hai vợ chồng chỉ để lại 10 tấn cà phê tươi để phơi khô, xay xát ra được 2,5 tấn nhân, bán được 150 triệu đồng, ở thời điểm cà phê có giá 60.000 đồng/kg. Tôi thấy lời hơn nhiều so với bán tươi, với 10 tấn tươi chỉ bán được 120 triệu đồng. Hiện, trong thôn đa số các hộ làm cà phê đều bán cà tươi cả, không có ai làm bán cà nhân như gia đình tôi” , chị Đam chia sẻ.
Thấy được lợi ích từ việc chế biến cà phê nhân, chị Đam đã không ngần ngại chia sẻ lại cho bà con trong thôn.
“Chỉ cần một thay đổi nhỏ ở trong cách làm, tư duy sản xuất thôi cũng đã đem lại hiệu quả không nhỏ rồi. Vì thế tôi cũng khuyên bà con trong thôn hạn chế bán cà phê tươi, chỉ cần bỏ ra một chút công sức chế biến cà phê nhân thôi là đã lời hơn rồi. Nếu bà con trong thôn có nhu cầu, gia đình tôi cũng sẵn sàng cho mượn máy xay xát cà phê”, chị Đam tâm sự thêm.
Chị Y Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Lam cho biết “Chị Y Đam là một hội viên dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi trong phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như việc chị mạnh dạn chuyển đổi từ việc bán cà phê tươi sang chế biến cà phê nhân. Từ đó, giá trị hạt cà phê được nâng cao và giá bán cao hơn so với bán cà phê tươi. Không những vậy, chị Đam còn là chi hội trưởng tiêu biểu, năng nổ, đi đầu trong các phong trào, hoạt động của Hội tại đia phương và chị luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho hội viên có nhu cầu phát triển kinh tế”.