Yên Châu được coi là chảo lửa của đất Sơn La. Từ bao đời nay bà con người Thái đen đã sống và định cư tại vùng đất này.
Họ cũng là chủ nhân của giống xoài tròn, xoài hôi (người Thái gọi là muồng kẻo và muồng khăm). Trước đây, hầu như hộ dân người Thái nào cũng trồng vài cây xoài Yên Châu vừa để lấy bóng mát và có quả ăn.
Trải qua bao đời, thứ xoài ngon nức tiếng mà chỉ trồng ở đất Yên Châu mới cho chất lượng ngon, ngọt, thơm đó còn được lưu giữ đến nay.
Ngày trước bà con chỉ trồng vài cây để chơi, ngày nay bà con người Thái cũng đã biết sản xuất hàng hóa. Giống xoài cổ được trồng trên diện rộng.
Thu nửa tỷ nhờ trồng xoài tròn, xoài hôi Yên Châu
Con đường bê tông phẳng lì dẫn vào bản Mệt Sai, xã Sặp Vạt vào những ngày nay như đông vui, nhộn nhịp hơn.
Bà con ở bản trên, bản dưới tất bật thu hoạch xoài. Năm nay niềm vui như được nhân đôi vì xoài được mùa lại bán được giá.
Gia đình ông Quàng Văn Sưởi trồng xoài nhiều nhất bản. Hôm chúng tôi đến thăm, các thành viên trong gia đình ông đang khẩn trương thu hoạch xoài. Người lên đồi hái chở về nhà, người đóng hàng.
Mọi việc diễn ra rất nhịp nhàng. Từng gùi xoài xinh xắn được chị em người Thái đóng gói cẩn thận rồi đưa lên xe chở về Hà Nội giao cho các siêu thị.
Ông Sưởi đi đi lại lại quanh nhà như con thoi. Ông điều hành mọi việc rất nhịp nhàng. Đặc biệt là khâu kiểm hàng, ông soi xét rất kĩ.
Quả nào méo, có dấu hiệu sâu là ông yêu cầu lao động loại sạch. “Mình giờ chuyển sang sản xuất hàng hóa rồi, nên làm mọi khâu phải chuẩn và chuyên nghiệp hơn. Không để khách hàng chê trách điều gì”, ông Sưởi không giấu được niềm vui khi nói về vụ thu hoạch xoài năm nay.
Ông Sưởi đã trồng xoài được nhiều năm. Ngày trước các cụ chỉ trồng vài chục cây để ăn. Đến mùa bà con cũng hái để mang xuống chợ huyện bán.
Thu hoạch xoài khi đó chỉ giúp gia đình có đồng ra, đồng vào. Nhưng từ năm 2017, ông tham gia thành viên HTX nông nghiệp Xuân Tiến, ông đã trồng 500 cây xoài tròn phủ kín quả đồi sau nhà. Khi đó ông cũng chỉ biết trồng, chứ trong lòng vẫn lo lắng vì trồng nhiều không biết bán xoài cho ai. Ở đất này đã từng chuyển đổi nhiều cây trồng, nhưng kết quả đều gặp khó khăn về đầu ra.
Sau 5 năm chăm bón, vườn xoài đã bắt đầu cho thu hoạch. Một niềm vui đã đến với các hộ trồng xoài cũng như gia đình ông, trước vụ xoài chín, tổ chức Jica của Nhật Bản đã kết nối giữa hộ trồng xoài với hệ thống siêu thị ở Hà Nội.
Toàn bộ sản lượng xoài của HTX được các đơn vị đó nhận bao tiêu với giá 30.000/1kg. Chưa năm nào bà con bán xoài lại được giá như năm nay. Gia đình ông Sưởi vui lắm.
Ông Sưởi nhẩm tính, mỗi cây xoài thu được 70 đến 80kg, với giá bán hiện tại, một cây cho thu 2 triệu đồng. Vườn xoài năm nay mang lại tiền tỷ cho gia đình chứ không ít.
Bao đời bà con người Thái nơi đây sống vô cùng vất vả. Gia đình nào chịu thương, chịu khó lắm mới dư thừa được chút tiền lo cho con ăn học. Giờ đây nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây xoài bản địa trên diện rộng mà nhiều gia đình thu được tiền triệu, tiền tỷ.
Họ vui lắm, trong đời làm nông dân chưa bao giờ họ nghĩ là có thể thu được mấy trăm triệu nhờ trồng xoài. Đến gặp gia đình anh Hà Viễn Lâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xuân Tiến mới cảm nhận được niềm vui trọn vẹn của người nông dân.
Anh Lâm là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở Yên Châu nên anh cũng trải qua bao khó nhọc. Năm 2017, anh đã mạnh dạn vận động 25 hộ dân trong xã tham gia thành lập HTX.
Đúng dịp đó, UBND huyện Yên Châu đã vận động bà con trồng giống xoài cổ trên diện rộng. Mấy chục thành viên của HTX đã dày công đầu tư giống, phân bón, chăm sóc được 30ha xoài. Năm nay toàn bộ các xã viên đã đón vụ thu hoạch xoài thứ hai và gặt hái được quả ngọt.
Anh Lâm là người trực tiếp làm và tham gia đi bán xoài nên anh càng trân trọng nhưng gì mà bà con đã và đang làm được.
“Vụ thu hoạch xoài năm ngoái, chính quyền từ tỉnh tới huyện và chúng tôi phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi bán xoài. Khi đó, giá xoài cũng thấp, nên thu nhập không được bao nhiêu. Năm nay nhờ tổ chức Jica kết nối mà xoài của Sặp Vạt có mặt trên nhiều siêu thị ở dưới Hà Nội. Họ bao tiêu toàn bộ sản lượng xoài với giá là 30.000đ/1kg. Đây là năm đầu tiên người trồng xoài hưởng trọn niềm vui từ vụ xoài ngọt này”.
Chăm sóc xoài Yên Châu theo hướng hữu cơ
Việc các siêu thị ở Hà Nội lựa chọn tiêu thụ toàn bộ sản lượng xoài của HTX cũng là nhờ các thành viên nơi đây kiên trì chăm sóc cây theo hướng hữu cơ. Sau mỗi năm bà con tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc sinh học và tiền tới loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi vườn.
Theo anh Lâm, vấn đề lớn nhất của người trồng xoài nơi đây lo nước tưới cho cây xoài. HTX cũng đã tiến hành khoan nhiều giếng để đảm bảo nước tưới cho cây. Bên cạnh đó, HTX cũng đến từng hộ dân tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật việc canh tác xoài sạch.
Nhờ đó mà chất lượng xoài được đảm bảo. “Giờ mình làm gì cũng phải nghĩ đến người tiêu dùng trước. Sản phẩm của mình có sạch, có ngon, họ mới mua của mình lâu dài”, anh Lâm cho biết thêm.
Từ đầu vụ tới nay, HTX nông nghiệp Xuân Tiến đã thu được 10 tấn xoài, tổng sản lượng xoài năm nay HTX thu được 100 tấn.
Theo anh Lâm, cây xoài mới bước sang năm thu hoạch thứ hai. Sau mỗi vụ sản lượng sẽ tăng dần lên. Đến năm thứ 10 ước lượng, mỗi cây xoài cho thu vài tạ quả là chuyện thường. Khi đó, việc bà con người Thái thu tiền tỷ nhờ trồng xoài không còn là bài toán xa vời nữa.
Cây xoài đã gắn bó với người dân Yên Châu bao đời nay. Các xã Chiềng Pằn, Sặp Vạt, Viêng Lán là địa phương trồng xoài nhiều nhất. Trong những năm vừa qua, chính quyền tỉnh Sơn La, huyện Yên Châu rất quan tâm tới việc phát triển cây xoài.
Nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm xoài Yên Châu đã được thực hiện. Xoài Yên Châu cũng đã hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Những nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền cũng như người dân đã và đang gặt hái quả ngọt. Giống xoài cổ Yên Châu ngon trứ danh đang có chỗ đứng trên thị trường được người tiêu dùng đón nhận.
Yên Châu là huyện có diện tích trồng xoài lớn của tỉnh Sơn La. Huyện có 3 xã trồng xoài tròn là xã Sặp Vạt, Chiềng Pằn, Viêng Lán đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu xoài Yên Châu.
Năm 2022, diện tích cây ăn quả của huyện là 11.348 ha. Sản lượng quả đạt 90.500 tấn. Trong đó diện tích xoài 3.212 ha, diện tích cho sản phẩm là 2.307 ha, sản lượng năm đạt 19.500 tấn.