Ngư dân sau khi bắt vẹm xanh đã chuyển sản phẩm thu hoạch được vào bờ.
Hằng ngày, khoảng 5h sáng, nhiều ngư dân ở phường Cẩm An lại chuẩn bị thuyền thùng cùng một số dụng cụ như: kính lặn, dao, găng tay chèo ra biển, cách bờ khoảng 200m để lặn bắt vẹm xanh và ốc bu bám các kè đá ngầm chắn sóng ở ven bờ biển Hội An.
Ngư dân cùng nhau khiêng bao lưới chứa vẹm xanh đi bán cho thương lái.
Ngư dân Nguyễn Đông, ở phường Cẩm An cho biết, ngoài thời gian đánh bắt hải sản gần bờ, anh cùng với các bạn thuyền ở địa phương chèo thúng ra biển để lặn bắt vẹm xanh.
Ngư dân Đông cho biết: “Sau 3h lặn biển anh bắt được khoảng 40kg vẹm xanh, đem về làm sạch, thương lái tới tận nhà để thu mua, hoặc mang ra chợ bán. Mỗi kg vẹm có giá dao động 25.000 – 30.000 đồng, ốc có giá khoảng 40.000 đồng/kg, thu nhập đem lại cho tôi khoảng 1 triệu đồng/ngày”.
Còn ngư dân Hồ Công Vinh, ở phường Cẩm An cho biết: “Mùa bắt vẹm xanh chỉ diễn ra từ tháng Giêng đến tháng năm âm lịch, nhưng khi có gió nồm lớn hoặc biển động thì không khai thác được. Dụng cụ để bắt vẹm cũng đơn giản gồm: kính lặn, dao nhọn, cục xốp màu trắng buộc chặt với túi đựng vẹm bằng lưới để thả nổi trên mặt nước, cùng với đó là đôi găng tay để phòng vẹm xanh cứa vào tay. Hiện nay trung bình mỗi ngày, anh bắt được khoảng 30 kg vẹm xanh”.
Nhiều ngư dân cho biết, vẹm xanh thường sống bám vào xác tàu đắm, kè đá. Những năm qua, khi đơn vị thi công làm bờ kè đá chắn ngầm sóng ở biển Cẩm An, vẹm xanh có môi trường sinh sống thuận lợi nên phát triển rất nhanh với số lượng nhiều.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An biết, nhiều hộ dân sinh sống gần khu vực bờ biển, họ làm nghề đánh bắt thủy sản, lúc rảnh thì ra biển lặn để bắt vẹm bán kiếm thêm thu nhập. Vẹm xanh còn có tên khoa học là Perna Viridis. Nó thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh và có mặt ở khắp các vùng biển trên thế giới. Vẹm xanh trông khá giống nghêu nhưng dài hơn và thường được dùng chế biến các món ăn và được nhiều người ưa chuộng.