Đúc kết triết lý VACRR từ 12 năm làm nông dân
Sinh ra và lớn lên tại huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), từ nhỏ anh Bùi Ngọc Châu đã nhận thấy gia đình mình và các hộ xung quanh sản xuất nông nghiệp theo mô hình vườn – ao – chuồng – ruộng – rừng.
Miền trung du Tiên Phước với địa hình đồi dốc thấp, được phân tầng canh tác bằng phẳng tạo nên bởi các bậc đất đắp và đá xếp.
Đi ngang qua hàng cau, rặng chè tàu, bước lên ngõ đá vào nhà đã trở thành thói quen, nếp sống của người dân địa phương.
Từng học ngành công nghệ thông tin, nhưng vì yêu nông nghiệp, nên anh Châu đã dành nhiều thời gian tìm hiểu thấu đáo tính bền vững của hạ tầng nông nghiệp huyện Tiên Phước, đặc biệt là khu vực làng cổ Lộc Yên đang còn giữ đúng mô hình thuận tự nhiên truyền thống.
Tuy nhiên, do bà con ở đây ít ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, nên năng suất và chất lượng nông sản không ổn định.
Theo kế hoạch năm 2024 – 2025, anh Bùi Ngọc Châu sẽ đóng gói các quy trình sản xuất cà phê, rau ăn lá và sử dụng bộ thông tin này để tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp.
Năm 2008, khi phát hiện con đường nông nghiệp hữu cơ với vi sinh vật bản địa, Bùi Ngọc Châu đã rời TP.Chí Minh về lại Tiên Phước để thực nghiệm ứng dụng nhóm các vi sinh vật bản địa có lợi vào sản xuất nông nghiệp.
Vừa làm vừa nghiên cứu và học hỏi thêm trên mạng internet, năm 2012, anh đã tổng hợp được bộ men vi sinh bản địa Tiên Phước và tư vấn, cung cấp nguyên liệu cho nhiều vườn, rẫy tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Đến năm 2017, Bùi Ngọc Châu mang triết lý nông nghiệp từ Tiên Phước và công nghệ vi sinh áp dụng vào một số trang trại tại Đà Lạt, sau đó tiếp tục đưa vào thực hành tại trang trại Xứ Tiên hơn 2ha của mình ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Tại đây, anh Châu thiết kế và xây dựng theo mô hình: BVACRR.
Theo đó, trang trại Xứ Tiên có đầy đủ vườn rau, ao cá, vườn cà phê, vườn trà, khu trồng cây dược liệu xen nuôi gà đồi và vườn ươm cây giống…
Ngoài việc tái sử dụng các phụ phẩm từ vườn ao chuồng tại chỗ, trang trại còn được bổ sung lượng lớn đạm từ biển thông qua việc lên men và tinh chế phụ phẩm như: đầu, ruột, vây cá; phân bón vi sinh được tái chế từ nguồn mùn của thảm thực vật rừng, mùn đáy sông suối.
Vì vậy, dù không trực tiếp có yếu tố rừng và biển trong trang trại của mình, Xứ Tiên Farm vẫn hội đủ vòng tuần hoàn của triết lý BVACRR. Ngoài ra, nơi đây còn dành một ít không gian để lập khu đào tạo, nghỉ ngơi.
Năm 2020, nhận được sự động viên của Trung tâm Dịch vụ tổng hợp – Khu công nghệ cao Đà Nẵng, anh Châu đã lập báo cáo đề tài ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao: “Phân lập và nuôi cấy nhóm vi sinh vật bản địa ứng dụng trong việc sản xuất và cải tạo đất trồng”, gọi tắt là dự án Vi sinh Xứ Tiên.
Dự án được các nhà quản lý và nhà chuyên môn TP.Đà Nẵng đánh giá cao về tính phù hợp với kinh tế nông nghiệp Việt Nam.
Sau hơn một năm ươm tạo, dự án Vi sinh Xứ Tiên đã được công nhận tốt nghiệp tại Quyết định số 308 ngày 8/12/2021 của Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.
Từ thành quả nghiên cứu này, Bùi Ngọc Châu tổng hợp bộ men vi sinh bản địa, áp dụng công nghệ cơ khí, công nghệ nhiệt để sản xuất các sản phẩm mang tính ứng dụng cao như đất sạch dinh dưỡng, viên nén dinh dưỡng tổng hợp, đạm cá và than hoạt tính,…
Nhằm định hướng cho những nghiên cứu tiếp theo, anh đã tổng hợp lại những kinh nghiệm đúc kết từ 12 năm thực hành nông nghiệp hữu cơ vi sinh thành bộ triết lý VACRR.
Hăng say… chuyển đổi số
Những cây cà chua sai trĩu nhờ bón phân hữu cơ vi sinh tại nông trại Xứ Tiên, xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Ảnh: Xứ Tiên.
Anh Châu cho biết, Lâm Đồng là một trong những địa phương hội tụ nhiều lợi thế để triển khai và lan tỏa triết lý nông nghiệp tích hợp thuận tự nhiên. “Đó cũng là lý do mình chọn dừng chân tại đây để xây dựng Xứ Tiên Farm, tiếp tục con đường khẳng định triết lý nông nghiệp bền vững”- anh chia sẻ.
Theo đó, “kỹ sư về vườn” này dành toàn bộ thời gian của mình để chuẩn hóa quy trình và triển khai mô hình nông nghiệp theo triết lý nông nghiệp tích hợp thuận tự nhiên này.
Từ năm 2014 – 2017, anh Châu đã tư vấn kỹ thuật cho các trang trại cà phê sạch, rau mầm, trà ô long hữu cơ, tiêu hữu cơ, ổi, chanh dây, mãng cầu… ở Đức Trọng, Đà Lạt và các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh…
Các trang trại này đều đạt hiệu quả kinh tế, trong đó một số trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ PSG và USDA.
Anh Châu chia sẻ, hiện anh đang hợp tác với Công ty CFM (Cà Mau) để sản xuất tinh chất đạm cá biển và Công ty Phước Thắng (Tây Ninh) sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.
Tinh chất đạm cá được sản xuất bằng quá trình ủ lên men lạnh các phần thừa trong chế biến thực phẩm như đầu, vây, ruột cá; do đó, đảm bảo giữ lại đầy đủ dinh dưỡng, đạm mà không bị nhiễm các loại vi khuẩn gây hại.
“Hiện tại, doanh thu từ thương mại hóa phân bón vi sinh đạt khoảng 400 – 500 triệu đồng/tháng; còn nhà máy đạm cá khi đi vào hoạt động, ước tính sẽ sản xuất 300 tấn/năm” – anh Châu cho biết.
Ngoài ra, anh cũng đầu tư phát triển phần mềm quản lý điều hành bao gồm đầy đủ các chức năng từ mua hàng, kho vận, sản xuất, kế toán, đóng gói đến bán hàng, quản trị khách hàng và giao hàng. Nhờ đó, mọi công đoạn sản xuất, kinh doanh đều có thể thống kê chính xác, theo dõi và dự báo kịp thời.
Đến tháng 5/2023, bộ “triết lý BVACRR” được anh Châu hoàn thiện, hoàn chỉnh thêm phần chứng minh hiệu quả kinh tế so với “triết lý VACRR” ban đầu. Anh cũng quyết định thành lập Công ty TNHH Một thành viên BVACRR để thúc đẩy việc khai thác giá trị dinh dưỡng từ biển ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp trong đất liền thông qua sản phẩm tinh chất đạm cá biển.
Làm nông nghiệp thuận tự nhiên, nhưng anh Châu cũng là một người hăng say ứng dụng chuyển đổi số vào các quy trình sản xuất tại trang trại cũng như quy trình vận hành Công ty BVACRR.
Cụ thể, anh tiến hành đo vẽ hiện trạng 1/500 của khu đất mô hình thực nghiệm tại Nông trại Xứ Tiên ở xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà), sau đó phân lô và gắn tên cho các khu vực trồng trọt.
Từ các thông số chính xác về kích thước dài, rộng, diện tích, cao độ, công ty đã bước đầu xây dựng được quy trình trồng trọt trên từng luống cây trồng với số lượng vật tư đầu vào được đo đếm chính xác: Số cây giống, nhật ký canh tác, điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo tình hình thời tiết, có dữ liệu chính xác về số lượng thu hoạch, nhu cầu đơn đặt hàng từ khách hàng trên hệ thống.
“Chuyển đổi số đã giúp chúng tôi hoạt động sản xuất – kinh doanh hiệu quả trong điều kiện nguồn lực và nhân sự tối thiểu. Chuyển đổi số còn giúp rút ngắn quá trình đặt hàng – thanh toán – giao hàng, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh” – anh Bùi Ngọc Châu khẳng định.