Nâng cao chất lượng bưởi Đoan Hùng
Năm 2006, bưởi Đoan Hùng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý công nhận là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ. Đến nay, bưởi Đoan Hùng đã 3 lần được vinh danh là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Xác định rõ giá trị của giống bưởi đặc sản, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2016-2019, cây bưởi Đoan Hùng đã được đầu tư tập trung bài bản, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa có thương hiệu quốc gia, vươn xuất ngoại ra thế giới.
Đến nay, phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được chọn là một trong những chương trình nông nghiệp trọng điểm của huyện Đoan Hùng. Huyện ban hành nhiều cơ chế khuyến khích việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể và các hộ trong việc dồn đổi, tích tụ đất để có diện tích lớn, tập trung để trồng bưởi.
Huyện cũng đặc biệt chú tâm đến việc nâng cao chất lượng, mở rộng phát triển vùng bưởi đặc sản, từ đó tìm hướng khuất khẩu trên thị trường các nước. Tính riêng giai đoạn 2020-2023, huyện Đoan Hùng đã huy động kinh phí hỗ trợ phát triển cho cây bưởi đặc sản là hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Thọ cũng cấp kinh phí cho huyện Đoan Hùng hỗ trợ người trồng bưởi từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 – 2025; đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước năm 2022 để khắc phục hiện tượng khô tép, khô múi bưởi cho vùng sản xuất bưởi tập trung của tỉnh…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Thọ cũng hỗ trợ phát triển sản phẩm bưởi Đoan Hùng thông qua các chương trình, dự án khuyến nông, chuỗi thực phẩm an toàn, phát triển sản xuất chương trình mục tiêu quốc gia…
Cụ thể, hỗ trợ 3 năm liên tục cho người trồng bưởi chi phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả bưởi với mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/ha/năm; hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận lần đầu thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với mức 6 triệu đồng/ha, tối đa 80 triệu đồng/giấy chứng nhận đối với chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 15 triệu đồng/ha, tối đa 120 triệu đồng/giấy chứng nhận đối với chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP; 55 triệu đồng/ha, tối đa 200 triệu đồng/giấy chứng nhận đối với chứng nhận hữu cơ…. Tất cả tiền hỗ trợ chi trả sau khi được cấp giấy chứng nhận.
Ông Nguyễn Thanh Hiển (xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng) chia sẻ: Gia đình ông có 800 gốc bưởi đặc sản được áp dụng quy trình sản xuất quản lý cây trồng tổng hợp ICM. Khi trồng bưởi theo mô hình ICM, gia đình ông được cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia nông nghiệp cầm tay chỉ việc, tạo điều kiện chuyển giao áp dụng kỹ thuật trồng chăm sóc cây bưởi tiên tiến…
Nhờ đó, mẫu mã bưởi đẹp, quả nặng, chất lượng ngon hơn so với nhiều năm trước. Với 800 gốc bưởi này, sau khi thu hoạch, gia đình ông Hiển ước đạt khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng cho lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Đức Lương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho hay, đến năm 2025, huyện Đoan Hùng tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình để nâng cao năng suất, chất lượng hướng tới xuất khẩu sản phẩm bưởi; phấn đấu 100% diện tích vùng trồng bưởi tập trung được chứng nhận sản xuất an toàn và được cấp mã số vùng trồng; thực hiện tốt xúc tiến thương mại, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng…
Mở rộng thị trường xuất khẩu bưởi Đoan Hùng
Huyện Đoan Hùng hiện có trên 2.660ha trồng bưởi; trong đó, diện tích bưởi trong thời kỳ kinh doanh đạt hơn 2.360ha. Diện tích bưởi Đoan Hùng đạt trên 1.440ha, còn lại là bưởi Diễn và các loại bưởi khác. Năng suất bưởi đạt trên 146 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 33.195 tấn, giá trị doanh thu ước đạt trên 300 tỷ đồng.
Huyện đã hình thành 95 vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích đạt 1.350ha; có một hiệp hội sản xuất bưởi; 15 HTX, một tổ hợp tác, một chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần tiêu thụ khoảng 2.700 tấn/năm. Diện tích bưởi trên địa bàn huyện đang được các hộ chuyển dần sang theo quy trình sản xuất an toàn với tổng diện tích trên 1.240ha.
Đến nay, toàn huyện đã có gần 326ha được cấp chứng nhận VietGAP; có 49 vùng trồng bưởi được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.000ha. Bưởi Đoan Hùng đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao…
Theo ông Phan Văn Đạo, Phú Thọ có nhiều tiềm năng, thế mạnh về quả bưởi xuất khẩu nhưng lại gặp khó khăn lớn do thiếu doanh nghiệp, nhà máy đóng gói, chiếu xạ. Đây là nguyên nhân dẫn đến số lượng bưởi xuất khẩu đạt thấp so với sản lượng trồng sản xuất.
Ông Phan Văn Đạo – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho biết, năm 2022 huyện Đoan Hùng đã xuất khẩu lô bưởi Đoan Hùng đầu tiên sang thị trường Nga.
Bưởi Đoan Hùng xuất khẩu đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, được sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện với môi trường, bưởi vàng đẹp.
“Đây là một bước phát triển quan trọng, mở ra một giai đoạn mới, một thị trường mới, một tương lai mới cho cây bưởi đặc sản trên đất Phú Thọ và cũng là động lực để người sản xuất đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện mẫu mã quả bưởi. Trong thời gian tới, huyện Đoan Hùng kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp, thương nhân thu mua và tham gia vào quy trình sản xuất, tạo đầu ra ổn định, từng bước hình thành chuỗi giá trị cho sản phẩm bưởi đặc sản và các sản phẩm khác của huyện Đoan Hùng” – ông Đạo nhấn mạnh.
Hiện các cơ quan của tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ để đưa trái bưởi đến với những thị trường xuất khẩu khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cũng theo ông Đạo, Phú Thọ có nhiều tiềm năng, thế mạnh về quả bưởi xuất khẩu nhưng lại gặp khó khăn lớn do thiếu doanh nghiệp, nhà máy đóng gói, chiếu xạ. Đây là nguyên nhân dẫn đến số lượng bưởi xuất khẩu đạt thấp so với sản lượng trồng sản xuất.
“Thời gian tới, ngoài chú trọng liên kết sản xuất theo chuỗi giữa người dân với HTX và doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm chiếu xạ nông sản đáp ứng tiêu chuẩn. Theo đà tăng trưởng trong việc xuất khẩu nông sản vào Mỹ nói riêng và những thị trường có yêu cầu chiếu xạ khác nói chung, việc có thêm các đơn vị chiếu xạ ở khu vực miền Bắc sẽ giải quyết được điểm nghẽn về chi phí và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong xuất khẩu” – ông Đạo nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải cho biết, bưởi Đoan Hùng đã khẳng định được thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phú Thọ sẽ tạo mọi điều kiện, sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, kinh doanh, giới thiệu, đặc biệt là tiêu thụ chế biến nông sản, tạo ra chuỗi liên kết từ giá trị sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm bưởi Đoan Hùng.
“Bên cạnh đó, các ngành liên quan đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, thu mua sản phẩm bưởi Đoan Hùng theo chuỗi liên kết, từ đó tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu cho bưởi đặc sản Đoan Hùng” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.