Một giống cà phê được trồng ở Tây Nguyên cho năng suất 4,3 tấn/ha, làm lợi trên 31.000 tỷ đồng cho nông dân

TRS1 là giống cà phê vối lai đầu tiên có năng suất và chất lượng cao, được tạo ra từ các dòng vô tính tốt (gồm TR4, TR9, TR11, TR12). TRS1 đạt trung bình 4,31 tấn nhân/ha (tăng so với giống đại trà trung bình 50,2%), ước tính làm lợi khoảng trên 31.480 tỷ đồng trong vòng 5 năm (từ năm 2018-2023).

Theo đó, công trình khoa học nghiên cứu ra giống cà phê vối lai TRS1 của tác giả ThS Đinh Thị Tiếu Oanh; TS Trần Vinh; ThS Nguyễn Thị Thanh Mai cùng cộng sự tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tỉnh Đăk Lăk là một trong bốn công trình đạt giải nhất được trao tại Lễ trao giải Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) tối 30/5 vừa qua.

TRS1 là giống cà phê vối lai đầu tiên có năng suất và chất lượng cao, được tạo ra từ các dòng vô tính tốt (gồm TR4, TR9, TR11, TR12). Đây là công nghệ đột phá mới thay thế hoàn toàn các giống được trồng bằng hạt trước đây không qua chọn lọc, đặc biệt có thể thay thế giống ghép do đặc tính nổi trội về năng suất tính trong quần thể con lai.

Giống TRS1 có hệ số nhân giống cao, nhân giống bằng hạt đơn giản cùng khả năng thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên vùng canh tác cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. Về năng suất và chất lượng, cà phê giống TRS1 đạt trung bình 4,31 tấn nhân/ha, tăng so với giống đại trà trung bình 50,2% trong cùng điều kiện sản xuất. Khối lượng 100 nhân trung bình đạt 19,1g, tăng so với giống đại trà trung bình 25,4%; hạt trên sàng 16 (loại hạt R1) đạt trung bình 85,3%, tăng 27,7% so với giống đại trà; ước tính làm lợi khoảng trên 31.480 tỷ đồng trong vòng 5 năm (từ năm 2018-2023). Hiện giống TRS1 đã được chuyển giao cho nông dân.

Một giống cà phê được trồng ở Tây Nguyên cho năng suất 4,3 tấn/ha, làm lợi trên 31.000 tỷ đồng cho nông dân- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (bìa trái) và TSKH Phan Xuân Dũng (bìa phải) trao bằng khen cho các tác giả công trình đoạt giải nhất. Ảnh: La Duy

Theo TS. Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, giống TRS1 là giống cà phê vối lai đầu tiên có năng suất và chất lượng cao, được tạo ra từ các dòng vô tính tốt. Việc nghiên cứu khả năng phối hợp chung các dòng vô tính để tạo ra con lai F1 là một bước đột phá mới, thay thế hoàn toàn các giống được trồng bằng hạt trước đây không qua chọn lọc, đặc biệt có thể thay thế giống ghép do đặc tính nổi trội về năng suất tính trong quần thể con lai.

Giống TRS1 đã đáp ứng đủ nhu cầu trồng tái canh cà phê vối trong những năm qua, kịp thời thay thế các giống cũ năng suất chất lượng thấp giúp người sản xuất giảm chi phí đầu tư, thâm canh tăng năng suất và chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy người trồng cà phê thay đổi phương thức canh tác theo hướng bền vững, thiên về chất lượng, an toàn sản phẩm, tạo được nguồn nguyên liệu cà phê chất lượng cao mang tính bền vững.

 

TRS1 không đòi hỏi khắt khe về đất, nó có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau như: đất đỏ nâu, nâu vàng hoặc đất xám. Yêu cầu cơ bản là tầng đất sâu từ 70cm trở lên, tơi xốp, giàu chất hữu cơ, dễ thấm nước, thoát nước tốt trong mùa mưa…

Giống TRS1 có khả năng thích ứng tốt với điều kiện bất thuận do tính đa dạng của quần thể con lai, đặc biệt là giảm tỷ lệ nhiễm bệnh gỉ sắt đáng kể (tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh nặng dưới 5%, trong khi giống cũ trồng bằng hạt có tỷ lệ nhiễm bệnh nặng trên 10%). Bệnh gỉ sắt là bệnh hại chính trên cây cà phê, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cà phê của các nước trên thế giới.

Một giống cà phê được trồng ở Tây Nguyên cho năng suất 4,3 tấn/ha, làm lợi trên 31.000 tỷ đồng cho nông dân- Ảnh 3.

Vườn cà phê tái canh của ông Nguyễn Duy Tăng ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (Kon Tum). Ảnh: Quốc Định

Giống cà phê vối TRS1 có năng suất cao, kích thước hạt cũng như các tính trạng nông học khác tốt hơn hẳn giống sản xuất đại trà (giống cũ trồng bằng hạt) tại các vùng sản xuất cà phê ở Tây Nguyên. Giống được trồng theo quy trình canh tác bền vững, chu kỳ kinh doanh có thể kéo dài sẽ tạo nên vùng nguyên liệu cà phê mới có tính bền vững cao.

Giống cà phê vối lai TRS1 có thể ứng dụng thực tế và ổn định ở tất cả các vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp với canh tác cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên: các công ty cà phê, các trang trại và hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

 

Ông Nguyễn Duy Tăng, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (Kon Tum) cho biết, gia đình có 5 sào cà phê tái canh năm 2019. Ông sử dụng giống cà phê TRS1 do Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê EAKMAT (Bộ NNPTNT) cung cấp. Theo ông Tăng, vườn cây cà phê tái canh của gia đình phát triển đồng đều, chống sâu bệnh tốt, năng suất và sản lượng cao hơn giống cà phê trước đây. Trong thời gian kiến thiết cơ bản, ông còn trồng xen đậu phộng, bắp, ớt… nên cho thu nhập cao hơn trước.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Như, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (Kon Tum) có 2ha cà phê trồng từ năm 1990. Năm 2017, ông thực hiện tái canh 1ha, sử dụng giống mới TRS1, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sử dụng phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường. Theo ông, các giống cà phê mới gia đình ông trồng có năng suất cao hơn giống cũ khoảng 4 tấn tươi/ha. Niên vụ cà phê 2023-2024, tổng thu nhập vườn cà phê 2ha là 300 triệu đồng (riêng vườn cà phê tái canh khoảng 180 triệu đồng), sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, gia đình ông có lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng.