Miệt vườn thu nhỏ trên nóc nhà

Hai năm trước, chị Loan, 40 tuổi, ở TP Đà Nẵng bắt đầu làm vườn trên sân thượng tầng năm, rộng 100 m2 vì muốn có bữa ăn và trái cây sạch cho gia đình và hiện thực hóa ước mơ có không gian sống đậm chất miền Tây quê nhà.

Ban đầu, nữ chủ nhà hàng vác đất, phân bón lên sân thượng bằng thang bộ nhưng sau thấy sức không đảm đương nổi, chị nhờ chồng dùng máy tời kéo lên.

Khi mới có vườn, chị Loan chỉ trồng các loại rau và bầu, bí, mướp. Lên mạng xã hội, thấy có nhiều hội làm vườn trồng được các loại cải kale, dưa, ngô, cà chua… nên chị bắt tay vừa trồng vừa học hỏi.

Vụ Đông xuân thời tiết mát mẻ thì chị trồng xà lách và các loại rau xanh. Đặc biệt, bà chủ vườn ưu tiên trồng các giống cà chua khác nhau, khổ qua (mướp đắng), dưa leo, bầu bí…

Mùa hè nắng nóng chị ưu tiên trồng dưa lê Hàn Quốc, dưa bở, dưa chuột… và các loại rau lá.

Vì đam mê làm vườn, bà chủ nhà tranh thủ thời gian làm mọi khâu, từ trộn đất, bón phân, cắt cành… Từ một người không kinh nghiệm, chị Thi Loan dần chinh phục được những loại cây trồng khó tính. “Có những ngày tôi bỏ cả ăn, bỏ ngủ vì muốn trồng bằng được loại cây mình thích sau nhiều lần thất bại”, chị nói.

Ví dụ vụ đầu trồng dưa, cây chết hàng loạt. “Dưa rất nhạy cảm với mầm bệnh. Sáng còn thấy xanh tốt, trưa nắng lên đã héo, chết từ từ. Hôm nay chết 1-2 cây, ngày mai chết 5-6 cây do bệnh tuyến trùng, nấm, phấn rắng, rầy, rệp… Nhưng hồi đó đã biết nguyên nhân gì đâu”, chị Loan kể.

Sau những ngày mò mẫm trên các hội nhóm tìm hiểu, chủ vườn nhổ hết dưa, làm đất thật kỹ để xử lý sạch mầm bệnh. Chị phun phòng bệnh bằng dầu Neem 10 ngày một lần. Theo chị Loan, khi đã phòng, nấm và sâu bệnh dù có cũng không đủ sức gây hại cho cây.

“Ngoài xử lý đất bằng vôi bột rồi phơi khô, phun thuốc phòng bệnh, bón phân định kỳ đúng liều lượng và trồng đúng mùa vụ thì khi trồng dưa phải biết cắt bỏ chèo phụ, bấm ngọn đúng lúc, chọn giống ngắn ngày và kháng bệnh”, chủ vườn bật mí.

Chị Loan cắt đôi thùng phi 500 lít để trồng dưa lê Hàn Quốc. Một chậu trồng được 10 cây, mỗi cây khoảng 5-7 trái, mỗi trái khoảng 300-700 g. “Dưa ngọt lịm, thanh mát, đặc biệt cảm giác ăn dưa mình trồng rất khoan khoái”, chị cho hay.

Sau nhiều lần trồng thử nghiệm, chị Loan nhận thấy dâu tây Hana, Nhật Bản là loại dễ trồng, dễ chăm và ra trái nhiều nhất. Hết mùa mưa, giữa tháng 9 âm lịch là thời điểm thích hợp để mua ngó dâu tây về trồng. Khoảng một tháng, cây bắt đầu ra trái. Khi dâu tây ra hoa, chị thường bổ sung thêm Kali, tỉa bớt lá già để dành dinh dưỡng nuôi trái.

Cải kale là một trong những loại rau được trồng nhiều trên vườn nhà chị Loan. Đất trồng rau là 50% đất thịt, 50% hỗn hợp gồm tro, trấu, xơ dừa, vôi bột, phân bò. Chủ vườn ủ phân cá, rác nhà bếp, pha loãng tưới 3-10 ngày một lần, tùy vào số cây trong một chậu.

Xà lách Mỹ màu tím, chị Loan đã trồng qua hai vụ, thấy cây dễ chăm, ăn ngọt giòn. Xà lách trồng vụ đông xuân, hết mưa bắt đầu gieo hạt, trồng cây con. Chậu trồng phải rộng, dễ thoát nước. Khoảng 10 ngày đến nửa tháng chị bón phân gà viên cho rau.

Đây là vụ thứ tư chị Loan trồng dưa leo, giống V1-103 trên vườn. Theo chị, đây là giống dưa dễ trồng, ít sâu bệnh và rất sai quả. Khi dưa leo cao nửa mét bắt đầu nhặt bỏ chèo thứ nhất đến chèo thứ sáu. Chèo thứ bảy trở đi cái nào khỏe giữ lại để cho ra trái. Giai đoạn ra trái phải tiếp nước, dinh dưỡng thường xuyên cho cây.

Từ ngày làm vườn, chị Loan hầu như không phải mua trái cây và rau củ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa được ăn rau quả sạch mỗi ngày. “Làm vườn cực đó, nhưng vì mình thích nên rất vui, vui nhất là được ngắm thành quả sau mỗi vụ trồng thành công một giống mới”, chị cho hay.