Những ngày qua, các tàu câu mực của ngư dân xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cập bờ sau gần 3 tháng khai thác ở Trường Sa để bán mực xà cho thương lái.
Trên mỗi tàu câu mực xà có khoảng 40-50 thúng câu và giàn phơi mực, tương ứng với số lao động của chuyến biển.
Trước chuyến biển đầu tiên trong năm 2024, các ngư dân tiến hành bốc thăm chọn vị trí phơi mực trên tàu. Vị trí này sẽ được sử dụng cho đến hết năm.
Mỗi vị trí trên tàu ảnh hưởng đến thời gian khô của mực. Mũi tàu, nơi đón nhiều gió, là vị trí đắc địa nhất.
Phiên câu mực bắt đầu từ 16h hôm trước đến sáng hôm sau. Tàu thả thúng cách rất xa nhau, mỗi người một thúng. Trên thúng câu có đèn dụ mực. Mỗi đêm, một người có thể bắt được 80-100kg mực tươi. Năm nay, nhiều tàu câu mực trúng lớn khiến ngư dân rất phấn khởi.
“Chuyến biển này thu được 60 tấn mực xà khô, nhiều gấp đôi so với chuyến năm ngoái, mang về hơn 8 tỷ đồng cho tôi và hơn 50 ngư dân trên tàu”- ngư dân Trần Tức (chủ tàu QNg 95422 TS) phấn khởi chia sẻ.
Theo ngư dân Đỗ Lợi (xã Bình Chánh), với mỗi tàu câu mực, chủ tàu tự bỏ vốn đóng tàu, sau đó kêu gọi “bạn” (ngư dân) tham gia đánh bắt. Phí tổn mỗi chuyến biển được chia đều cho những người đi bạn. Chi phí cho một chuyến ra khơi trung bình khoảng 1 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là tiền dầu.
Xã Bình Chánh được xem là “thủ phủ” của nghề câu mực với trên 120 tàu hành nghề, trong đó có khoảng 50 chiếc đánh bắt dài ngày ở Trường Sa, Hoàng Sa. Chỉ sau chuyến biển đầu năm 2024, sản lượng khai thác mực xà khô đạt 1.540 tấn, giá trị ước đạt trên 250 tỷ đồng.
Mực xà sống ở vùng biển xa bờ, nhiều nhất tại Trường Sa. Mực khá to nhưng thịt mặn, khi phơi khô có vị đắng nên chủ yếu dùng chế biến thành thực phẩm khô. Toàn bộ mực xà của ngư dân Bình Chánh được thu mua, sơ chế tại các cơ sở của địa phương, sau đó đưa đi tiêu thụ khắp nơi ở trong và ngoài nước, trong đó phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc và Thái Lan.