Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 2/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 10.472 tấn quế sang các thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu quế đạt 30,0 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam, tuy nhiên so với cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 30,3%, đạt 3.197 tấn. Hoa Kỳ thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 cũng giảm nhẹ 0,8%, đạt 1.274 tấn. Tín hiệu khởi sắc là xuất khẩu quế sang thị trường châu Âu ghi nhận tăng 12,7%, đạt 1.235 tấn, đặc biệt xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng mạnh, đạt 94,4%.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, với diện tích trồng quế khoảng 180.000ha, chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ…, Việt Nam hiện là nước đứng đầu toàn thế giới về cây quế, với 18,2% về sản lượng nhưng chiếm 34,4% về thị phần xuất khẩu quế toàn cầu. Đó cũng là lí do vì sao các khách hàng lớn trên thế giới đều tìm đến Việt Nam để tìm hiểu, giao dịch, thu mua quế.
Trong 2 tháng đầu năm, Prosi Thăng Long là doanh nghiệp xuất khẩu quế nhiều nhất cả nước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái giảm 46,4% đạt 1.228 tấn, chiếm 11,7% thị phần xuất khẩu. Tiếp đó là Gia vị Sơn Hà, Senspices,…
Cây quế là cây trồng lâu năm nên được người nông dân coi như là tài sản để dành, khi nào cần tiền thì sẽ thu hoạch. Đối với rừng quế thấp, sau khi trồng khoảng 3-5 năm là người dân có thể thu hoạch dần bằng cách chặt cây to bán trước, hoặc tỉa cành dăm bán cả lá lẫn cành.
Có 2 vụ thu hoạch vỏ quế trong năm, đó là vụ 3 (từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch) và vụ 8 (từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch).
Giá vỏ quế tươi thường dao động từ 22.000 – 25.000 đồng/kg; cành tăm và lá quế rẻ hơn, chỉ khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg. Vỏ quế khô sẽ bán được giá cao hơn khoảng 45 – 50% so với vỏ quế tươi.
Vỏ quế sau khi sơ chế (thành quế ống sáo, quế ống điếu…) sẽ bán được giá cao hơn từ 60 – 65% so với bán thô.
Trước đó, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 89.383 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022. Giá xuất khẩu quế bình quân năm 2023 đạt khoảng 2.948 USD/tấn, giảm so với năm trước do tình hình kinh tế thế giới khó khăn.
Cùng với quế, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 16.136 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 83 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 26%. Giá xuất khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 6.376 USD/tấn giảm 8% so với năm 2022.
Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam đạt 7.860 tấn và 4.116 tấn, lần lượt chiếm 48,7% và 25,5% thị phần xuất khẩu.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPSA cho biết, trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam đang có thêm động lực, thời cơ phát triển, đặc biệt là các thị trường ưa chuộng sản phẩm quế của Việt Nam như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Bangladesh, Brazil…