Khoảng thời gian này, vùng đất Cà Mau nắng ít, mưa nhiều nên các cánh đồng rộng lớn ở vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời ngập lênh láng, có nơi sâu gần 1m.
Rau mác-một loại rau dại mọc hoang nhiều ở các cánh đồng vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Tranh thủ thời gian nông nhàn, người dân địa phương bắt đầu ra đồng đặt dớn, giăng lưới, cắm câu… để kiếm thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn gia đình.
Bên cạnh đó, nhiều người chọn việc nhổ rau mác để bán. Loại rau dại bình dị ở miền Tây sông nước giờ đây đã trở thành món đặc sản lạ ở thành phố mà không phải lúc nào cũng dễ dàng mua được. Với công việc này, trung bình mỗi người có thu nhập khoảng 400.000 đồng/ngày.
Các xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc là nơi còn nhiều rau mác nhất. Những khu vực này là vùng trũng, ngập sâu vào mùa nước nổi, nhờ thế rau mác mọc khắp các cánh đồng. Người dân cứ thế ra đồng nhổ về bán cho thương lái là có thu nhập mỗi ngày.
Gia đình anh Phan Văn Bạch (ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có hơn 1,5ha đất trồng lúa. Mùa này trong vùng thường có mưa lớn nên việc tháo nước để gieo sạ lúa gặp nhiều khó khăn.
Những hộ có điều kiện bắt đầu “chuyển dịch” đào bờ bao trồng sen để tăng thu nhập. Do chưa có điều kiện trồng sen nên vợ chồng anh Bạch mỗi ngày đều ra đồng nhổ rau mác đem bán.
Hằng ngày, vợ chồng anh Bạch ra đồng hái rau mác từ sáng sớm và kết thúc công việc vào buổi trưa để kịp bán cho thương lái. Thu nhập mỗi ngày của họ vào khoảng 400.000 đồng. “Mùa rau mác kéo dài khoảng hơn 2 tháng, tính cả mùa vợ chồng tôi cũng có thu nhập khoảng 15 triệu đồng”, anh Bạch chia sẻ.
Rau mác-rau dại mọc đồng hoang ở Cà Mau sau khi nhổ về được vệ sinh sạch sẽ và bó lại trước khi bán cho thương lái.
Anh Bình, thực khách ở TP.Cà Mau cho biết, cây rau mác gắn liền với tuổi thơ của anh. Tuy nhiên, khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, nhiều địa phương ở TP.Cà Mau đã chuyển dịch sang hướng nuôi trồng thủy sản nên cây rau mác vì thế mà vắng bóng.
“Mỗi lần ăn món rau mác nhúng lẩu mắm là bao ký ức lại ùa về. Ngày xưa, trong bữa cơm gia đình vào mùa mưa thì hầu như đều cũng có rau mác”, anh Bình nói.
Rau mác là loài rau dại cùng họ với lục bình, mọc nhiều ở ruộng đồng. Mùa nước nổi là thời điểm cây rau mác ngoi lên, cọng trắng phau, mập tròn.
Rau mác có vị ngọt, dai mềm, có thể chế biến thành nhiều món ăn như xào với tôm, chấm mắm kho hoặc nấu canh chua…
Nếu trước đây rau mác gắn liền với bữa cơm dân dã của người nghèo ở miền Tây, thì những năm gần đây, thứ rau dại này đã “đổi đời” thành đặc sản lạ được người dân thành phố lùng mua về thưởng thức. Và rau mác giờ đây cũng là nguồn thu nhập nho nhỏ giúp bà con thôn quê cải thiện cuộc sống.