Trong quá trình trồng chè, sâu bệnh hại là một trong những vấn đề khiến người nông dân “đau đầu” bởi các loại sâu bệnh gây ảnh hưởng tới sự phát triển cũng như chất lượng sản phẩm chè. Đặc biệt, rầy xanh là loại sâu bọ thường gây thiệt hại lớn nhất đối với cây chè.
Tuy nhiên, ở Phja Đén (đọc là Phia Đén), xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, người nông dân trồng chè lại không cho rằng rầy xanh là dịch hại. Ngược lại, chúng là yếu tố quan trọng giúp tạo ra loại trà được mệnh danh là nữ hoàng của các dòng trà, đó là trà Đông phương mỹ nhân.
Thực tế, trà Đông Phương mỹ nhân (hay còn có tên khác là trà Ngũ sắc, Ngọn trắng, Bành Phong,…) có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc), lần đầu tiên được giới thiệu cho hoàng gia Anh vào cuối thế kỷ 19.
Loại trà này nổi tiếng bởi hương trà mùi hoa hồng, phảng phất mùi trái nho chín thơm mát, nước ngả màu hổ phách, đỏ ánh cam óng ánh, vị ngọt mật thanh thoát.
Phẩm trà thì đẹp như dáng vẻ người con gái vừa thanh tú, nhỏ nhắn vừa lộng lẫy: đỉnh búp có màu bạc, ở dưới là màu vàng, điểm màu nâu, đỏ nhìn kỹ có chút xanh; bã trà sau khi pha lại có hồng nhẹ, tươi tắn.
Chính vì sự tuyệt vời của hương, vị và phẩm trà khiến cho Nữ hoàng Anh phải thốt lên: “Oriental Beauty” (Đông phương Mỹ nhân).
Theo các tài liệu nghiên cứu, trà Đông Phương mỹ nhân mới được ra đời từ cuối những năm của thế kỷ XIX, do một lý do hết sức tình cờ. Ngày ấy, ở vùng núi Bắc Sơn, các cây trà nguyên liệu Ô long được trồng với quy mô lớn.
Các vụ trà thường được sử dụng là xuân và thu, vì vào mùa hè thì vườn trà lại bị một loại rầy xanh ăn lá. Do đó các thương nhân và người làm trà thường không sử dụng và thu mua lá trà vào mùa hè vì cho rằng chúng đã bị hỏng và kém phẩm chất.
Vì mối nhân duyên này mà trà Đông Phương mỹ nhân đã du nhập sang xứ trời Âu và làm mưa làm gió trên thị trường này.
Theo tìm hiểu, trà Đông Phương mỹ nhân là sự kết hợp giữa Ô long và Hồng trà với mức độ oxy hóa từ 60-70%. Những búp trà phải là từ cây chè Ô long thuần chủng bị loại rầy xanh tên là Tea green leafhopper cắn để hút nhựa cây. Theo các nhà khoa học, có tới hơn 10 chủng rầy hại khác nhau, nhưng chỉ có vài loại rầy xanh tạo ra được trà Đông phương mỹ nhân. Sau khi bị rầy xanh cắn, loại trà này có giá cao gấp 13 lần trà Ô long thường.
Từ đặc điểm này ta có thể nhận thấy, những cây chè để sản xuất ra trà Đông Phương mỹ nhân phải được trồng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên và không có hóa chất. Bởi rầy xanh chỉ có thể cắn phá tại những vùng chè không bị phun hóa chất. Như vậy, có thể nói, trà Đông Phương mỹ nhân là loại trà hữu cơ tự nhiên.
Theo phân tích của các chuyên gia, các lá chè bị rầy xanh cắn sẽ tiết ra những chất riêng để lành vết thương. Đồng thời, chúng cũng tiết ra chất có mùi hương đặc biệt để thu hút thiên địch của rầy xanh tới. Sau đó, hình dạng của lá sẽ bị biến đổi, màu của lá cũng ngả sang vàng, hương vị cũng chuyển thành mùi quả chín.
Đặc biệt, những búp chè bị rầy xanh cắn sẽ chỉ mọc vào tháng 5 âm lịch và để thu hoạch được búp chè đạt yêu cầu cần phải hái thủ công vào những giờ nhất định. Lúc thu hoạch chỉ hái búp và 2 lá non kế bên, thế nhưng chỉ 40-50% sản lượng lá thu hoạch được sử dụng.
Sau khi đã thu hái được búp chè cần phải thực hiện thêm nhiều công đoạn phức tạp khác. Bao gồm sao sấy rất công phu và tỉ mỉ dưới bàn tay của những người làm trà nhiều kinh nghiệm trong thời gian suốt 2 đến 3 ngày đêm không nghỉ.
Chính vì nguyên liệu chế biến trà phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên sản lượng của Đông Phương mỹ nhân khá hiếm và có giá thành tương đối cao. Từng có thời điểm 15kg trà Đông Phương mỹ nhân trị giá bằng cả căn nhà.
Bên cạnh chất lượng và hương vị đặc biệt, trà Đông Phương mỹ nhân còn được ưa chuộng vì mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ.
Đối với phái đẹp, trà Đông Phương mỹ nhân giúp mang lại một làn da tươi trẻ, đều màu và đầy sức sống bởi khả năng làm chậm quá trình lão hóa, cung cấp nhiều dưỡng chất cho da giúp ngăn ngừa sự hình thành nếp nhăn cũng như chống viêm, ngừa mụn, giảm thâm. Loại trà này còn giúp làm giảm mệt mỏi, đem lại sự thư giãn cho cơ thể trong suốt ngày dài. Ngoài ra, uống mỗi ngày một ly trà Đông Phương mỹ nhân còn có tác dụng rất lớn cho đường tiêu hóa, giúp quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, cơ thể hấp thu tốt hơn.
Tại Việt Nam, vùng núi cao Phja Đén nằm phía Đông Nam tỉnh Cao Bằng là nơi rất thích hợp để trồng những cây chè tạo ra loại trà Đông Phương mỹ nhân. Vị trí cô lập tạo ra vùng chè Kolia trên đỉnh Phja Đén tách biệt với các yếu tố xâm hại đến chất lượng cây trồng.
Trồng chè trên Phja Đén hầu như quanh năm không cần tưới nước bởi độ ẩm cao, mưa nhiều. Nước lẫn trong sương, đọng trên cỏ, thảm che phủ dưới chân dầy. Tháng nắng hạn mới dùng thêm nước tưới từ suối dẫn vào.
Nguồn phân bón cho cây chè chủ yếu từ phân các loài động vật và phế phẩm rau củ được nuôi trồng tại đây. Nhờ có hệ sinh thái cân bằng nên những loại sâu hại như rầy xanh, bọ trĩ… đều bị thiên địch tự nhiên kiểm soát.
Ngoài Phja Đén, kể từ năm 1990, các vùng chè như Lâm Đồng, Mộc Châu – Sơn La… ở Việt Nam cũng thành công trong việc trồng các cây chè tạo ra loại trà Đông Phương mỹ nhân nổi tiếng.
Hiện nay, sản lượng của trà Đông Phương mỹ nhân ở Việt Nam không nhiều, giá thành tương đối cao và chủ yếu được bán cho những người hâm mộ loại trà này.