Khát nước, “cây tiền tỷ” ở thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng khô lá, trái non rụng lộp độp

Hàng trăm hecta cây trồng thiếu nước

Trong vài tháng qua, lượng mưa tại tỉnh Lâm Đồng được cơ quan chức năng thống kê là rất thấp (chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước). Chính vì vậy, đã có hàng ngàn hecta cây trồng bị ảnh hưởng bởi thiếu nước, khô hạn. Đặc biệt là các huyện phía Nam của Lâm Đồng như Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên hầu như không có mưa đã khiến cho đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng.

Tại thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng là huyện Đạ Huoai, ghi nhận của phóng viên, nhiều gia đình đã rất khó khăn trong việc tìm nguồn nước tưới cho cây sầu riêng. Việc thiếu nước tưới cho sầu riêng đã khiến cho nhiều diện tích của người dân bị ảnh hưởng, vàng lá, rụng lá và quả, năng suất mùa vụ sẽ bị giảm.

Khát nước, "cây tiền tỷ" ở thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng khô lá, trái non rụng lộp độp- Ảnh 1.

Nguồn cung cấp nước tưới cho các xã Đoàn Kết, Đạ P’Loa và Hà Lâm (huyện Đạ Huoai) là sông Đạ Huoai cạn trơ đáy, dẫn đến hàng trăm hecta cây trồng thiếu nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Đình Dũng (ngụ thôn 2, xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai) cho biết, gia đình ông có 3ha đất trồng sầu riêng. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích sầu riêng trên đã bị rụng quả, rụng lá và xì mủ do tình trạng thiếu nước. Năng suất mùa vụ năm 2024 đối với 3ha sầu riêng của gia đình ông Dũng gần như không còn. Chính vì vậy, hiện tại gia đình ông Dũng đang cố gắng tìm kiếm nguồn nước để tập trung cứu 3ha sầu riêng, tập trung cho mùa vụ năm sau.

Khát nước, "cây tiền tỷ" ở thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng khô lá, trái non rụng lộp độp- Ảnh 2.

3h sầu riêng của gia đình ông Võ Đình Dũng bị vàng lá, rụng lá, rụng quả vì thiếu nước tưới trong thời gian dài.

Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Văn Khoa (ngụ thôn 2, xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai) lại phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để khoan giếng tìm kiếm nguồn nước. 2,5ha sầu riêng của gia đình ông Khoa đã thiếu nước trong khoảng 1 tháng qua khiến cho cây bị rụng lá, rụng quả, khô ngọn.

Khát nước, "cây tiền tỷ" ở thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng khô lá, trái non rụng lộp độp- Ảnh 3.

Sầu riêng của người dân Đạ Huoai bị cháy lá do thiếu nước và nắng hạn kéo dài.

“Hiện nay, do thiếu nước tưới nên 40% sầu riêng của gia đình tôi đã bị rụng lá, rụng quả, khô ngọn. Vì vậy, gia đình tôi đã phải bỏ ra khoảng 120 triệu đồng để khoan 2 giếng khoan (độ sâu khoảng 120 mét mỗi giếng) nhưng vẫn không có nước để tưới cho cây trồng. Dự kiến, năng suất sầu riêng của gia đình tôi sẽ giảm khoảng 50% trong vụ mùa năm nay. Chúng tôi giờ chỉ cầu có mưa để cứu cây thôi”, ông Khoa buồn bã chia sẻ.

Hàng trăm hecta bị ảnh hưởng

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai, 3 tháng đầu năm 2024 tại địa phương hầu như không có mưa, vì vậy mực nước các ao hồ, sông suối xuống rất thấp. Đặc biệt, một số xã tại huyện Đạ Huoai đã 5 tháng không có mưa khiến cho nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng.

Khát nước, "cây tiền tỷ" ở thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng khô lá, trái non rụng lộp độp- Ảnh 4.

Nhiều sông, suối, ao hồ tại huyện Đạ Huoai cạn khô do nhiều tháng không có mưa.

Trong thời gian qua trên địa bàn toàn huyện Đạ huoai đã ghi nhận tình trạng giảm nguồn cấp nước cục bộ làm khoảng 800ha cây trông bị thiếu nước (chủ yếu là cây sầu riêng, trong đó Đạ P’loa có diện tích cây trồng bị thiếu nước lớn nhất với 575ha). Phần lớn cây trồng bị ảnh hưởng do không có công trình thuỷ lợi, xa sông, suối tự nhiên, khan hiếm nguồn nước ngầm, một phần nhỏ tại một số công trình thủy lợi có mực nước xuống thấp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng địa phương chưa ghi nhận xảy ra tình trạng thiếu nước làm chết cây trồng.

Khát nước, "cây tiền tỷ" ở thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng khô lá, trái non rụng lộp độp- Ảnh 5.

Hiện nay người dân huyện Đạ Huoai đang tập trung nhiều nguồn lực để cứu cây trồng.

Theo dự đoán của cơ quan chức năng huyện Đạ Huoai, trong thời gian tới nếu không có mưa trái mùa, nắng nóng tiếp tục diễn ra sẽ gây ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng trên địa bàn, nhất là tại các khu vực có địa hình cao, không có hoặc xa công trình thủy lợi, xa hệ thống sông, suối lớn với diện tích sản xuất bị ảnh hưởng tăng thêm so với thời điểm hiện tại khoảng 350ha.

Trước tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, huyện Đạ Huoai đã tuyên truyền vận động nhân dân tăng cường tích trữ nước để dành cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Đồng thời chủ động nạo vét giếng, ao, hồ, dự trữ nước sinh hoạt, nước tưới, vận động người dân chia sẻ nguồn nước sinh hoạt, nước tưới từ những hộ lân cận có nguồn nước tưới dồi dào để đảm bảo nước sinh hoạt và duy trì sinh trưởng của cây trồng.

Khát nước, "cây tiền tỷ" ở thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng khô lá, trái non rụng lộp độp- Ảnh 6.

Chính quyền địa phương huyện Đạ Huoai đang tuyên truyền người dân tăng cường tích trữ nước để dành cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn rà soát, khoanh vùng cụ thể các diện tích đã và có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước từ đó hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là tại khu vực không có công trình thủy lợi và ngoài công trình phụ trách tưới.

Trường hợp nguy cơ bị thiếu nước nghiêm trọng, chỉ thực hiện tưới để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng, kết hợp với việc sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để giữ ẩm, hạn chế thất thoát nước do bốc hơi.

Bên cạnh đó, các địa phương phải rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt. Đồng thời huy động trang thiết bị phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư.