Hàng xóm xây tường ngăn lấn sang thửa đất nhà mình thì phải làm gì?

Căn cứ quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản có liên quan, chúng tôi xin đưa ra một số các biện pháp xử lý khi hàng xóm xây tường ngăn lấn sang thửa đất nhà bạn để tham khảo như sau:

Hòa giải tranh chấp đất đai bằng cách tự thỏa thuận.

Để tránh những vấn đề tranh chấp mới phát sinh, trước hết, các bạn nên thực hiện rà soát lại ranh giới, mốc giới, các giấy tờ về quyền sử dụng đất của mình. Tiếp theo, thu thập các căn cứ để chứng minh ranh giới thửa đất của mình. Lúc này, các công việc bạn có thể thực hiện để xác định ranh giới, mốc giới của thửa đất theo một trong những cách sau:

– Nếu cả hai gia đình bạn và hàng xóm đều đã được cấp sổ đỏ, vậy bạn có thể nhờ cán bộ địa chính hoặc nhờ đơn vị đo đạc tư nhân tiến hành đo đạc để phân định ranh giới, mốc giới thửa đất theo sơ đồ thửa đất tại mục III của sổ đỏ đã được cấp;

– Nếu trong sổ đỏ của bạn chưa có mục sơ đồ thửa đất, sơ đồ thửa đất chưa phải là sơ đồ được đo vẽ theo bản đồ địa chính chính quy, hoặc đất chưa có sổ đỏ thì bạn có thể xin trích lục các thông tin trong hồ sơ địa chính đối với thửa đất của mình. Hàng xóm của bạn xin trích lục thông tin trong hồ sơ địa chính đối với thửa đất của họ, từ đó xác định ranh giới, mốc giới được Nhà nước công nhận đối với thửa đất của bạn và của nhà hàng xóm. Từ đó các bên xác định được cụ thể phần diện tích mình được quyền sử dụng;

Sau đó khi xác định được chính xác mốc ranh giới, mốc giới đất chứng minh nhà hàng xóm đã xây lấn sang thì gia đình bạn thì có thể ưu tiên tiến hành thỏa thuận, giải quyết vụ việc với hàng xóm:

Bạn cùng hàng xóm của mình có thể thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp như: Nhà hàng xóm dừng thi công công trình, tháo dỡ phần công trình đã xây lấn sang nhà bạn hoặc các vấn đề khác theo ý chí, nguyện vọng chính đáng của mình.

Nếu có thể giải quyết theo cách này, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, công sức.

Đề nghị UBND Xã nơi có đất tiến hành hòa giải theo Khoản 12 Điều 202 Luật Đất đai.

Lúc này, bạn phải làm đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi nhận được đơn sẽ thực hiện các công việc, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khác (Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ,…)theo quy định pháp luật để tiến hành việc hòa giải giữa gia đình bạn với nhà hàng xóm.

+ Việc hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và Ủy ban nhân dân cấp xã.phải có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành.

+ Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai). Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất, đồng thời, cấp mới Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất có thay đổi diện tích đất.

Khởi kiện tới cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp đất đai

Theo Điều 203, Điều 204 Luật Đất đai 2013 quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (tranh chấp về ranh giới, mốc giới là một trong những tranh chấp về đất đai) như sau:

– Nếu đương sự có Giấy chứng nhận/có một trong những giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013: Tòa án là đơn vị có thẩm quyền giải quyết;

– Nếu đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013: Đương sự phải lựa chọn yêu cầu giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất là người có thẩm quyền giải quyết) hoặc Tòa án nhân dân có thẩm quyền;

Như vậy gia đình bạn có thể làm đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi có đất để giải quyết tranh chấp nêu trên với nhà hàng xóm.

Yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Gia đình bạn có quyền làm đơn yêu cầu xác minh vụ việc, xử lý hành vi vi phạm lấn, chiếm thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận, hoặc đã được công nhận của mình tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất.

Lúc này, căn cứ Điều 14 Nghị định 91/2019 của Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện) tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.