Giá lợn tăng đều, người nuôi có lãi, vì sao nông dân vẫn thấp thỏm lo lắng?

Dù giá lợn hơi đang tăng từng ngày, hiện có nơi đạt trên 66.000 đồng/kg, nhiều chủ trang trại ở các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định…cho biết, giá lợn hơi nhích lên giúp người chăn nuôi có lãi khá nhiều nhưng bà con vẫn thấp thỏm lo lắng sợ dịch tả lợn châu Phi tấn công.
Giá lợn tăng đều, người nuôi có lãi, vì sao nông dân vẫn thấp thỏm lo lắng?- Ảnh 1.

Ông Phan Văn Miền kiểm tra sức khỏe vật nuôi tại trại của gia đình ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh: TQ

“Ăn bữa nay, lo bữa mai”

Vào thời điểm này, ông Phan Văn Miền, chủ trang trại ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình) đang xuất bán đàn lợn hơn 100 con với giá 65.000 – 66.000 đồng/kg.

Ông Miền tính toán: Với chi phí thức ăn chăn nuôi khoảng 3,3 triệu đồng, cộng với chi phí con giống tại chỗ khoảng 800.000 đồng; chi phí thuốc thú y 200.000 đồng; điện nước, nhân công, phụ phí khác khoảng trên dưới 200.000 đồng, tổng chi phí cho mỗi 1 con lợn 100kg hết khoảng 4,5 – 4,6 triệu đồng, có thời điểm hao hụt nhiều có thể lên đến gần 5 triệu đồng/con. Nếu bán giá 65.000 đồng/kg, mỗi con lợn 120kg được khoảng 7,8 triệu đồng, trừ chi phí ông lãi khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng triệu đồng, tùy từng thời điểm.

Hiện, gia đình ông Miền đang nuôi khoảng 50 lợn nái, vài trăm lợn thịt. Giá lợn tăng từng ngày giúp người nuôi có lời nhưng vợ chồng ông vẫn chưa lo lắng, bất an. “Người nuôi lợn như chúng tôi hiện giờ ăn được bữa nay lại lo bữa mai. Vì dịch tả lợn châu Phi vẫn bùng phát, lây lan mạnh hơn trước. Dịch nổ ra khắp nơi như xôi đỗ, chúng tôi bán được đàn nào biết đàn đó thôi”, ông Miền bộc bạch.

Theo ông Miền, nguyên nhân chính khiến giá lợn tăng là do dịch tả lợn châu Phi vẫn lây lan nhanh, nhiều trại “trắng tay”, số lượng đàn lợn giảm khá nhiều. “Thời điểm này 10 trại, hộ còn nuôi thì có đến 3-4 trại bị dịch nên đàn lợn giảm nhiều khiến giá mặt hàng này tăng liên tục trong thời gian vừa qua”, ông Miền khẳng định.

Ông Miền cho biết, hiện nay, các trại chăn nuôi lợn đều đang “cố thủ”, có trại nổ dịch nhưng vẫn phải cầm cự để duy trì chăn nuôi đảm bảo thu nhập cho gia đình và trả nợ thua lỗ từ các lứa trước. “Nuôi lợn giờ như “đánh bạc với trời” nhưng bà con vẫn phải chăn nuôi, gia đình tôi vẫn tiếp tục tái đàn. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục nhập khoảng 20 nái chất lượng cao về để nhân đàn, hi vọng từ giờ đến cuối năm và sang năm mới, giá lợn tiếp tục tăng cao để gia đình có thêm thu nhập”, ông Miền chia sẻ.

Là một trong nhưng hộ còn nuôi lợn tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình, gia đình bà Phạm Thị Thúy vẫn đang duy trì đàn lợn khoảng hơn chục con gồm 1 nái và lợn thịt. Do giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao nên hằng ngày vừa chăm sóc lợn bằng cám công nghiệp, bà Thúy còn đi cắt rau muống, khoai, chuối về băm nấu cho vật nuôi ăn thêm.

Giá lợn tăng đều, người nuôi có lãi, vì sao nông dân vẫn thấp thỏm lo lắng?- Ảnh 2.

Dù dịch tả lợn châu Phi vẫn bùng phát mạnh, lây lan nhanh nhưng nhiều trang trại chăn nuôi lợn vẫn chưa mặn mà với vaccine dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: TQ

“Trước trại của tôi nuôi nhiều hơn nhưng sau mấy lần bị dịch, đến giờ còn sót lại 1 con nái để nhân đàn thịt”, bà Thúy nói và cho hay: Tôi năm nay ngoài 60 tuổi, hết tuổi lao động, các công ty không nhận vào làm nên buộc phải ở nhà chăn nuôi để duy trì sinh kế, cuộc sống. Nếu dịch tả lợn châu Phi tiếp tục “đánh úp” sẽ đẩy gia đình vào đường cùng sẽ càng khó khăn hơn.

Được mời chào tiêm vaccine nhưng không dám tiêm

Dù đang bị dịch bệnh bao vây nhưng ông Phan Văn Miền vẫn không mấy mặn mà với việc tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Ông Miền cho biết, gia đình ông vẫn thường xuyên nhận được lời mời chào tiêm vaccine nhưng vợ chồng ông chưa dám tiêm.

“Nhiều người chăn nuôi kêu giá vaccine còn cao nhưng với tôi, giá thành thuốc không quá quan trọng, vấn đề chính mà các trại quan tâm nhất lúc này là mức độ an toàn, chất lượng của vaccine. Chúng tôi rất cần tiêm vaccine để bảo vệ đàn vật nuôi nhưng nếu tiêm vào không đảm bảo an toàn mà dịch còn nổ ra mạnh hơn sẽ rất nguy hiểm” ông Miền nói và cho biết, một khi trại chăn nuôi lợn để xảy ra dịch thì sẽ rất khó ngăn chặn, dập dịch và quay lại chăn nuôi lợn như trước.

Theo ông Miền, để đảm bảo an toàn cho đàn lợn tại trại, gia đình ông buộc phải áp dụng biên pháp an toàn sinh học. Cụ thể, hàng tuần trại tổ chức phun khử trùng 2 lần, vừa phun bên ngoài và phun trong trại. Trại cũng sử dụng vôi bột rắc xung quanh chuồng và hòa đưa vào dưới sàn chuồng để diệt khuẩn, nấm.

Giá lợn tăng đều, người nuôi có lãi, vì sao nông dân vẫn thấp thỏm lo lắng?- Ảnh 3.

Theo ông Miền, hiện nay các trại chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng hở có nguy cơ bị dịch tả lợn châu Phi rất cao. Ảnh: Trần Quang.

Tại trang trại nuôi lợn, các vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra đều được ông Miền kiểm soát rất nghiêm ngặt. “Chúng tôi thuê người chăm sóc lợn riêng, các loại thực phẩm, đồ dùng cá nhân đều được trại cung cấp đầy đủ tại trại để đảm bảo an toàn phòng dịch. Hơn nữa chúng tôi luôn nhập lợn nái tại các trung tâm giống uy tín, khi đưa lợn về sẽ được trại cách ly 20 ngày, khi vật nuôi an toàn mới đưa vào chuồng nuôi. Đến khi xuất bán, công nhân trong trại sẽ lùa lợn ra ngoài, các xe của khách cũng được phun sát trùng kỹ lưỡng mới được vào nhận lợn và đưa ra khỏi trại”, ông Miền tiết lộ.

Bà Phạm Thị Thúy ở Yên Khánh (Ninh Bình) cho biết, so với các loại vaccine khác, vaccine dịch tả lợn châu Phi vẫn đang ở mức cao hơn nên gia đình bà và nhiều nông hộ chăn nuôi ở địa phương vẫn còn băn khoăn chưa tiêm loại vaccinenày cho lợn.

“Nếu nhà nước có thêm hỗ trợ và doanh nghiệp cam kết chất lượng vaccine an toàn, hiệu quả cao thì chúng tôi sẽ tiêm ngay để bảo vệ đàn lợn của mình”, bà Thúy khẳng định.