Sản phẩm trong nước khó cạnh tranh được với thịt đông lạnh
Ông Trần Văn Minh, chủ trại lợn ở Tam Điệp (Ninh Bình) cho biết, giá lợn hơi hiện tại đã giảm khá nhiều so với tháng trước nhưng vẫn giúp người nuôi có lời khá. Tuy nhiên, thực tế dù bà con đã có lãi nhưng các trại vẫn chăn nuôi trong tình trạng cầm cự trước sự đe dọa của dịch tả lợn châu Phi.
“Vợ chồng tôi chăn nuôi lợn nhiều năm nên rất thấu hiểu nổi khổ của bà con. Đến giờ các trại còn lợn nhưng vẫn lo lắng, bất an vì có thể bị dịch bệnh tấn công bất cứ lúc nào”, ông Minh bộc bạch.
Ông Minh cho biết, mấy tháng trở lại đây, vợ chồng ông đã gượng dậy được sau thời gian dài bị dịch nên đến nay, lợn được giá cao nhưng gia đình ông vẫn chưa thu hồi được số vốn, chi phí đã bỏ ra trong thời điểm bị dịch.
Vừa nhận được thông tin thịt lợn nhập khẩu vẫn ồ ạt vào Việt Nam bán với giá rẻ khiến ông Minh càng lo lắng hơn. “Giá lợn hơi mới tăng được một thời gian, người nuôi chưa thu hồi được vốn. Đến giờ thịt đông lạnh lại tràn vào nhiều hơn sẽ khiến cho giá thịt lợn trong nước giảm theo. Nếu số lượng thịt nhập khẩu vẫn tăng cao trong các tháng cuối năm sẽ càng đẩy người chăn nuôi vào đường cùng”, ông Minh khẳng định.
Là đơn vị chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ thịt lợn khá lớn ở miền Bắc, ông Đào Quang Vinh – Tổng Giám đốc Vinh Anh Food khẳng định: Nếu chúng ta không sớm kiểm soát được dịch bệnh và hạn chế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi thì người chăn nuôi trong nước, các doanh nghiệp sẽ ngày càng thua thiệt và thê thảm hơn.
“Hiện, sản phẩm làm ra trong nước bán giá thấp hơn giá thành, người chăn nuôi liên tục lỗ chồng lỗ. Nếu chúng ta vẫn để tình trạng nhập khẩu tràn lan thì bà con, doanh nghiệp sẽ rất khổ, phá sản hết”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, hiện giá sản phẩm thịt lợn trong nước vẫn ở mức khá cao, trong đó có thịt ba chỉ (đã đóng gói) bán khoảng 120.000 đồng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ khá chậm.
Ông Phạm Văn Hưng, chủ một trại chăn nuôi bò thịt ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhiều tháng nay, việc tiêu thụ thịt bò trong nước rất khó khăn khiến người chăn nuôi rất vất vả nhưng vẫn không có lãi mà còn bị thua lỗ nặng.
“Trước đây, chúng tôi chăn nuôi hàng chục con bò vỗ béo nhưng giá bán thấp quá nên gia đình phải giảm đàn và chuyển sang nuôi bò ăn cỏ để cầm cự. Thậm chí, có thời điểm rất khó bán hoặc có bán được cũng bị thương lái ép giá rất thảm hại”, ông Hưng buồn rầu chia sẻ.
Theo ông Hưng, hiện Việt Nam vẫn đang nhập khẩu rất nhiều sản phẩm thịt bò và các doanh nghiệp, đại lý bán ra thị trường với giá rất thấp, có loại ba chỉ giá khoảng 120.000 đồng/kg, trong khi đó sản phẩm trong nước, trong các thành phố bán đến gần 300.000 đồng.
“Sản phẩm trong nước khó cạnh tranh được với thịt đông lạnh nên người trực tiếp chăn nuôi sẽ càng khốn đốn hơn”, ông Hưng nói.
Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị buôn bán thịt nhập không rõ nguồn gốc
Để bảo vệ người chăn nuôi trong nước, ông Phạm Văn Thương, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Bình Lục (Hà Nam) cho rằng: Nhà nước ta cần xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để bảo vệ sản phẩm trong nước.
Theo ông Thương, có nhiều nguyên nhân thịt đông lạnh nhập khẩu chiếm lĩnh nhanh thị trường nội địa. Trước tiên là ở khâu sản xuất, ngành chăn nuôi của Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ, từ con giống đến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu khiến giá thành chăn nuôi trong nước cao hơn nhiều so với mặt bằng thế giới.
Để cạnh tranh và hạn chế sản phẩm thịt nhập khẩu, ông Thương kiến nghị, Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan cần phải có quy hoạch và đưa ra chiến lược chăn nuôi rõ ràng và phải thực hiện từ sớm. Trước mắt, chúng ta phải xây dựng được hàng rào kỹ thuật đảm bảo ngang bằng với các nước phát triển thịt mới bảo vệ được sản phẩm trong nước.
Hiến kế thêm giải pháp kiểm soát sản phẩm thịt nhập khẩu, ông Trần Văn Thức, đại diện một doanh nghiệp chế biến thịt lợn ở khu vực miền Trung đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc.
“Hiện nay, chúng ta nhập khẩu nhiều thịt và cả các mặt hàng phụ phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc bán tràn lan khắp nơi. Điều nguy hiểm là các nhà hàng, quán ăn vỉa hè khi chế biến phải các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là quản lý thị trường cần thường xuyên vào cuộc kiểm tra các nhà hàng, doanh nghiệp nhập khẩu, quán ăn và có chế tài xử lý nghiêm các đơn vị bán hàng không rõ nguồn gốc”, ông Thức kiến nghị.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 76.120 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 140 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 32,1% về lượng và 28,6% về trị giá. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 5 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 304.850 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với tổng trị giá 597 triệu USD, tăng 29% về lượng và 25,2% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi kg thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu có giá trung bình 46.000 – 47.000 đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 41 thị trường, trong đó Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là những nhà cung cấp lớn nhất. Các loại thịt được nhập khẩu nhiều gồm thịt heo đông lạnh, thịt bò, gà… Đặc biệt, nhập khẩu thịt heo từ Brazil và Mỹ tăng mạnh, trong khi nhập khẩu từ Nga, Đức và Hà Lan giảm.