Dồn hết tiền mua nhà để “tích sản”, ngờ đâu thành “tiêu sản”

Với tâm lý nơm nớp lo sợ tiền mặt sẽ mất giá dần, vợ chồng Quỳnh Mai (Hà Nội) đã dồn toàn bộ tiền tiết kiệm trong suốt 5 năm mua một căn nhà mặt đất để tích sản và đầu tư.

 

Quỳnh Mai và chồng đều là dân tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp. Năm 2016 sau khi kết hôn, hai vợ chồng vay mượn thêm ít vốn mở quán ăn vặt và nước giải khát. Quán gần chợ, sinh viên đông đúc nên kinh doanh khá thuận lợi.

Sau hai năm, anh chị đã trả hết nợ, thậm chí còn tích góp được một số tiền kha khá, đủ để mua một căn hộ trả góp. Cân đối thu nhập và chi tiêu hàng tháng, chị Mai quyết định mua một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ, rộng 65m2 với giá gần 2 tỉ đồng.

Chị Mai cho biết, chị tham khảo nhiều kinh nghiệm từ anh chị, bạn bè đi trước về cách Vay ngân hàng ra sao, vay bao nhiêu %, vay trong thời gian bao lâu… để không bị áp lực mỗi tháng. Nhờ đó chỉ sau hai năm, chị Mai đã trả hết được nợ.

“Thời điểm mua nhà vợ chồng mình đã tích góp được khoảng 800 triệu đồng, Vay ngân hàng 800 triệu đồng và số còn lại hai bên gia đình hỗ trợ. Về thu nhập mỗi tháng, vợ chồng mình ngoài bán hàng còn bỏ mối sỉ đồ ăn vặt nên thu nhập khá ổn. Theo lời bạn tư vấn mình chọn Vay ngân hàng trong thời gian 20 năm để giảm lãi suất, sau đó là tích cực kiếm tiền để trả hết nợ trong 2 năm đầu. May mắn mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch nên không có áp lực gì cả” – Mai chia sẻ.

 

Dồn hết tiền mua nhà để tích sản, ngờ đâu thành tiêu sản

 

Dù nhiều người làm giàu từ đầu tư đất, nhưng vợ chồng chị Mai vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng chi an toàn.

Trả hết nợ, vợ chồng Mai tiếp tục tích góp để thực hiện những kế hoạch lớn hơn trong tương lai. Mặc dù thấy người người nhà nhà làm giàu từ “buôn” bất, nhưng vợ chồng Mai vẫn quyết tâm chọn hình thức đầu tư an toàn là gửi tiết kiệm ngân hàng. Năm 2022, họ tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn là hơn 2 tỉ đồng.

Đến giữa năm 2022, sau khi nghe một vài người tư vấn tiền càng ngày càng mất giá, gửi tiết kiệm cũng không ăn thua nên Mai bàn với chồng mua thêm một căn nhà mặt đất để vừa tích trữ tiền, vừa tạo động lực kiếm tiền trả nợ.

“Sau khi bàn tính, vợ chồng mình quyết định vay thêm ngân hàng 1 tỉ để mua một căn nhà mặt đất nằm trong ngõ với giá hơn 3 tỉ đồng. Đây thực sự là một lựa chọn khá liều lĩnh, nhưng cũng là một cách đầu tư nên vợ chồng mình chấp nhận có thua lỗ” – Mai cho hay.

Cho đến thời điểm hiện tại, căn nhà mà vợ chồng chị Mai mua chỉ bán được với giá 2,8 tỉ đồng. Do ở thời điểm mua căn nhà này, vợ chồng chị mua cao hơn so với mức giá thị trường 200 triệu đồng, so với những căn nhà có cùng vị trí tương đương. Một phần khu vực chị mua thời điểm đó cũng đang sốt đất nên Mai tin rằng sẽ tăng giá nhanh.

“Cuối năm 2022, thị trường khó khăn, căn nhà mình mua tiếp tục giảm còn hơn 2 tỉ đồng. Tưởng tích tiền vào đất để chờ tăng giá, ngờ đâu chỉ trong 6 tháng vợ chồng mình đã mất hơn nửa tỉ đồng. Giá như không liều lĩnh, tiếp tục gửi tiết kiệm thì đã không mất số tiền lớn như vậy” – Mai ngậm ngùi.

Dồn hết tiền mua nhà để tích sản, ngờ đâu thành tiêu sản

Thị trường tăng hay giảm là điều không ai có thể lường trước – Ảnh minh họa.

Trên thực tế, không ít người rơi vào trường hợp giống vợ chồng chị Mai khi đầu tư không đúng thời điểm. Theo những nhà đầu tư lâu năm, xét trong khoảng thời gian 3-5 năm, mức giá nhà đất đều đi theo chiều hướng gia tăng. Với người có tiền mặt sẵn, đây là cơ hội để sở hữu căn nhà đất giá rẻ.

“Thị trường tăng hay giảm là điều không ai có thể lường trước. Nhiều người nghĩ, giá nhà giảm 200-500 triệu đồng đã là xuống đáy, nhưng có lúc giá nhà còn giảm sâu hơn nữa. Ở chiều ngược lại giá nhà đã giảm ở mức đó, nhưng đột nhiên 1-2 tháng sau lại tăng đột biến khiến những người bán trước đó tiếc hùi hụi. Những trường hợp như vậy rất nhiều” – Hoài Nam, một nhà đầu tư lâu năm cho biết.

Theo một khảo sát hơn 500 người siêu giàu của Knight Frank, các chủ ngân hàng tư nhân, cố vấn tài chính và văn phòng gia đình, đại diện cho khối tài sản tổng cộng hơn 2.500 tỉ USD, tỷ trọng các kênh đầu tư của giới siêu giàu như sau: Bất động sản thương mại (gồm căn hộ cho thuê, văn phòng cho thuê, nhà xưởng, kho hàng; cửa hàng kinh doanh và nhà nghỉ, khách sạn, resort) chiếm 34%; cổ phiếu, cổ phần chiếm 26% danh mục đầu tư; trái phiếu 17%; vốn cổ phần tư nhân/vốn mạo hiểm 9%; các loại hình như đầu tư vào nghệ thuật, vàng, tiền điện tử đều có tỉ lệ thấp hơn 5%.

Như vậy, xét về tổng quan, Bất động sản vẫn là kênh đầu tư được giới chuyên môn đánh giá cao trong lúc thị trường tài chính toàn cầu còn nhiều biến động. Đặc biệt, giới đầu tư am hiểu thị trường và tài chính thường có chiến lược đầu tư tương ứng để đối phó với nhiều kịch bản khác nhau.