Cách đây hơn 25 năm, những đứa trẻ chưa kịp lớn như chúng tôi thích nhất là được nhìn những con tôm với bộ râu đỏ, khi người lớn trong nhà dỡ chà bắt cá, bắt tôm.
Con tôm càng nổi bật nhất có thể nói là những cọng râu màu đỏ và cặp càng màu xanh. Chúng tôi la hét lên mừng khi bắt được con tôm càng to.
Những gia đình còn khó khăn khi bắt được con tôm càng, con cá bống tượng to họ sẽ đem bán vì được giá cao. Những chỗ thu mua rắn, tôm, cá ngày trước đa phần bán lại cho các nhà hàng ở thành phố lớn.
Những món ăn ngon từ tôm càng xanh cứ vương mùi thơm khi nhắc như tôm nướng than hồng. Những con tôm bỏ vào nướng trên bếp than, màu nâu xám từ từ chuyển sang màu đỏ au, lớp vỏ loang lổ vết cháy sém, mùi thơm bay xa. Ai đã từng nghe mùi tôm nướng thì khi mũi bắt lại lần hai sẽ nhận ra ngay.
Lúc ấy chắc rằng tôm đã chín. Lấy chén đâm (giã) miếng muối hột, vài hạt tiêu cho nhuyễn rồi cho thêm vài giọt nước chanh giấy. Đưa tay lột vỏ con tôm nướng màu đỏ au chấm với muối tiêu chanh cắn ngon lành, cảm được độ dai và độ ngọt của thịt tôm.
Cầu kỳ hơn là món bánh canh tôm. Con tôm được lột vỏ, chấy tỏi cho thơm rồi cho vào nồi bánh canh bột xắt và nước cốt dừa thì còn gì ngon bằng. Nếu món nướng đơn giản thì món bánh canh lại rất nhiều công đoạn nên tốn nhiều thời gian.
Chí cốt lắm mới được chủ nhà đãi món này à nghen. Đó là món tôm càng xanh kho tàu. Những con tôm được lột vỏ kho với nước dừa đỏ au, co tròn thịt dai, nước sền sệt màu vàng sẫm có vị ngọt mặn. Ăn cơm rất ngon.
Khi nào? hình ảnh con tôm đã đi vào lời ăn tiếng nói của người dân qua những câu ca dao nghe gần gũi, thân quen với cuộc sống:“Ngủ đi cho mẹ đi mò/ Tôm rang đầy chảo, cá kho đầy nồi”. Rồi mời, rồi mọc: “Ai về thẳng tới Năm Căn/ Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu/ Mắm nêm, chuối chát, khế, rau/ Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên!”.
Thể hiện rõ sự nhớ nhung: “Ví dầu cá bống hai mang/ Cá trê hai ngạnh, tôm càng sáu râu/ Anh về bên ấy đã lâu/ Để em vò võ canh thâu một mình”. Sự đồng cam cộng khổ: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.
Khi ai đó tập đua đòi, bắt chước không phải lối, trở nên lố bịch, kệch cỡm thì được nói: “Tôm tập nhảy, ốc nhồi cũng nhảy”.
Giờ loài tôm nước ngọt lớn nhất được nuôi rộng rãi. Với mô hình 1 lúa 2 tôm, nuôi tôm xen lúa,… thành công. Mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao vì môi trường trồng lúa phù hợp với sự phát triển của tôm. Với thức ăn tự nhiên trên đồng, người nuôi chỉ cần thêm một ít thức ăn chế biến là đủ để tôm tăng trưởng.
Vì thế tôm được bán nhiều ở các chợ và dễ dàng bắt gặp những nơi mua bán tự phát với những tấm bảng giới thiệu “tôm sống”, những chiếc loa rao bán “tôm càng sống 70.000đ
nửa ký”,…
Ngoài chất dinh dưỡng, tôm càng được ưa chuộng bởi sự “sang chảnh” khi nằm trên mâm. Vì vậy trên bữa cơm, bàn tiệc không khó bắt gặp sự xuất hiện của con tôm càng như tôm nấu canh chua, nướng muối ớt, nướng bơ, nấu lẩu, cà ri… Bắt mắt nhất với dĩa tôm hấp nước dừa, những con tôm “bề thế” với màu sắc nổi bật, kích thích vị giác.
Có người bảo, 13 tỉnh ĐBSCL sản xuất 1 vụ lúa có thể nuôi người dân trong vùng khoảng 5 năm. Nhưng người trồng bán ra không có lời nhiều, có vụ thua lỗ.
Họ chuyển sang nuôi tôm, vì 1kg tôm bằng 27kg lúa. Nhiều người thấy có ăn nên cũng nuôi tôm, và không ít người giàu sụ nhờ tôm.
Người nuôi tôm cần có kế hoạch vụ nào trồng lúa, vụ nào nuôi tôm, vụ nào nuôi tôm xen lúa. Người nuôi tôm không nghiên cứu cách nuôi, nghiên cứu thị trường thì giá thấp, phải có kinh nghiệm như “con kiến tha trứng sắp mưa to”.
Giờ tôm càng xanh sống trong tự nhiên rất hiếm. Còn con tôm nuôi thì mua rất dễ dàng. Thèm con tôm càng sông thì mua con “tôm sống” ăn đỡ thèm.
Ăn con tôm càng nuôi để nhớ tiếc con tôm càng sông một thời nổi đỏ râu. Với món ăn bánh canh tôm nước cốt dừa dân dã mang vị riêng của vùng đất Nam Bộ.