Công trình này nhằm điều tiết lũ, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, phát triển giao thông đường thủy.
Cống Trà Sư và cống Tha La là hai cống ngăn lũ lớn và có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người dân vùng Tứ giác Long Xuyên nói riêng và miền Tây nói chung. Công trình này nhằm điều tiết lũ, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, phát triển giao thông đường thủy.
Cống Trà Sư nằm tại phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Công trình này điều tiết lũ, phục vụ diện tích gần 500.000ha trải rộng trên 15 huyện, thành phố thuộc An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.
Cống Trà Sư được thiết kế là công trình cống hở. Cống có chiều rộng thông nước 88m, chia thành 4 khoang và 6 cửa, mỗi khoang rộng 22m; cửa phẳng, đóng mở thẳng đứng bằng hệ thống xi lanh thủy lực hiện đại.
Cống được đầu tư hệ thống bơm hiện đại, đồng hồ áp suất được theo dõi và kiểm tra kỹ lưỡng mỗi khi vận hành cổng xả lũ. Công trình này cũng được lắp đặt 2 trạm camera giám sát hình ảnh, trạm quan trắc mực nước tự động, chế độ cập nhật mực nước 5 phút/lần; các thiết bị giám sát theo dõi quản lý được đặt tại nhà quản lý với chế độ theo dõi 24/24.
Cống Tha La cách cống Trà Sư khoảng 1,5km, có vai trò điều tiết lũ nội đồng. Cống này cũng có cơ chế hoạt động tương tự nhưng quy mô nhỏ hơn so với cống Trà Sư. Cống được thiết kế là cống hở, chiều rộng thông nước là 66m, chia thành 3 khoang và 4 cửa, mỗi khoang rộng 22m, cửa cống phẳng, đóng mở thẳng đứng bằng xi lanh thủy lực.
Với vai trò quan trọng, cống Trà Sư và cống Tha La có tổng mức đầu tư hơn 232 tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang.
Nhà thầu liên danh gồm 4 đơn vị, trong đó Công ty Cổ phần Xây lắp Thủy lợi Hưng Yên thực hiện gói thầu trị giá khoảng 57,2 tỷ đồng. Ngày khởi công là 1/10/2018, hoàn công vào ngày 20/12/2021.
Đơn vị thi công đã hoàn thành cống hở bằng bê tông cốt thép M300 với chiều rộng thông nước 66m, bao gồm 3 khoang, mỗi khoang rộng 22m. Nền cống được xử lý bằng hệ cọc bê tông cốt thép M300, và chống thấm qua nền cống được thực hiện bằng một hàng cừ thép Larsen III. Sân tiêu năng hạ lưu có kích thước dày 50cm và dài 22m, cũng được xây dựng bằng bê tông cốt thép M300. Để gia cố chống xói, tấm đan bê tông cốt thép M300 và rọ đá đã được sử dụng. Cửa van và tháp van phẳng bằng thép, được điều khiển đóng mở theo phương thẳng đứng bằng xi lanh thủy lực.
Công trình này có tầm quan trọng đặc biệt đối với người dân nên các đơn vị liên quan đã nghiêm túc thực hiện, khẩn trương thi công, hoàn thành dự án vào ngày 20/12/2021, sớm hơn 10 ngày so với thời hạn hợp đồng là 31/12/2021.
Ngày 4/9 vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang tổ chức vận hành mở cống Tha La và Trà Sư để kiểm soát lũ năm 2024. Mực nước thực đo lúc 8h ngày 4/9 tại thượng lưu cống Trà Sư là 1,68m, còn hạ lưu là 1,45m; tại thượng lưu cống Tha La, mực nước ghi nhận là 1,81m và hạ lưu là 1,52m. Chênh lệch mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu tại hai cống đều xấp xỉ 0,30m.
Việc mở cống đã gây ra nhiều biến động về mực nước nội đồng trong vùng Tứ giác Long Xuyên, bao gồm An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Theo thông tin từ Dân trí, mực nước sau khi xả lũ được đo tại cống Trà Sư là +2,9m, tăng 1,4m so với thời điểm mở cống. Dự kiến, mực nước sẽ còn tăng cao hơn khi đỉnh lũ miền Tây dự kiến xuất hiện vào giữa tháng 10 tới.
Hiện tại, 4 khoang và 6 cửa của cống Trà Sư đã được mở hoàn toàn để xả lũ, cho phép các phương tiện tàu ghe di chuyển tự do qua cống. Nhân viên điều hành cống Trà Sư cho biết, sau khi người dân thu hoạch xong lúa vụ hè thu, đơn vị sẽ mở các cống theo trình tự: mở các cửa giữa trước, sau đó mở 2 cửa bên một ngày sau.
Dự kiến, vào cuối tháng 10 hoặc tháng 11, trước khi xuống giống vụ lúa đông xuân từ 5 đến 10 ngày, đơn vị sẽ đóng cống Trà Sư để ngăn lũ vào vùng Tứ giác Long Xuyên.
* Tổng hợp