Con động vật tuổi thọ ngắn ngủi này được ông nông dân Hậu Giang nuôi thành công, lời 240 triệu/năm

Gần đây nhiều hộ dân chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi dế cho thu nhập cao. Trong đó có mô hình nuôi Dế của hộ anh Nguyễn Thanh Sử, nông dân ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, mỗi năm thu nhập trên 240 triệu đồng.
Con động vật tuổi thọ ngắn ngủi này được ông nông dân Hậu Giang nuôi thành công, lời 240 triệu/năm- Ảnh 1.

Một khu vực đặt các thùng nuôi dế sinh sản của gia đình anh Nguyễn Thanh Sử, nông dân thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Từ nhu cầu cần dế để câu cá năm 2016, sau khi tìm được nguồn giống uy tín, anh Nguyễn Thanh Sử đầu tư hệ thống để nuôi dế.

Trên khoảng đất trống trước nhà, với nguồn vốn khởi nghiệp hơn một triệu đồng, anh bắt tay vào việc đóng làm thùng nuôi, phía trên có lưới che thông thoáng để nuôi dế.

Lúc đầu nuôi anh cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại về quy cách chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nhất là thời điểm dế đẻ trứng, nở con, tách đàn nên hiệu quả chưa cao.

Sau đó anh rút kinh nghiệm nuôi dế và đọc thêm nhiều tài liệu hướng dẫn, nhờ vậy đã vượt qua những trở ngại ban đầu và nắm vững kỹ thuật từ khâu ấp trứng, gây đàn cho đến lúc xuất chuồng.

Đến nay, mô hình nuôi dế của Nguyễn Thanh Sử có tổng cộng hơn 160 thùng, với diện tích hơn 1.000m2, hiên tại nuôi 40 thùng dế thương phẩm và dế sinh sản.

Thời gian nuôi dế từ lúc nỡ đến lúc dế trưởng thành bán làm dế thương phẩm khoảng thời gian 34 ngày. Sau 45 – 50 ngày là khoảng thời gian dế trưởng thành sinh sản, 10 ngày tiếp theo sẽ nở con.

Đối với dế sữa nuôi 30 ngày có thể xuất bán với giá 80 ngàn đồng/kg; dế trứng nuôi từ 37 – 40 ngày, bán với giá 100.000-120.000 đồng/kg. Trung bình, một thùng, mỗi tháng thu hoạch từ 10 – 15kg. Với 40 thùng dế, mỗi năm sau khi trừ các chi phí, anh Sử thu về trên 240 triệu đồng.

Con động vật tuổi thọ ngắn ngủi này được ông nông dân Hậu Giang nuôi thành công, lời 240 triệu/năm- Ảnh 2.

Anh Sử, nông dân nuôi dế ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) cho dế ăn và nơi trú ẩn của dế.

Theo kinh nghiệm nuôi dế của anh Sử, dế là loài vật sống riêng biệt đàn, thích nghi với môi trường tự nhiên.

Vì thế, muốn cho đàn dế phát triển nhanh, năng suất chất lượng cao, tránh được dịch bệnh, người nuôi phải chú ý đến chuồng trại, đặt nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, không bị gió lùa. Loài dế rất mẫn cảm với thời tiết.

Khi trời quá nóng hoặc quá lạnh chúng sẽ phát triển chậm, đẻ ít. Đặc biệt, mỗi chuồng cần bố trí thêm nhánh, lá cây khô, thùng giấy hoặc thùng phế liệu để tạo môi trường hoang dã cho dế ẩn trú hoặc bay nhảy một cách tự nhiên.

Nguồn thức ăn cho dế khá đơn giản và đa dạng như các loại rau màu phế phẩm, lá khoai mỳ, rau muống, cám gạo và bổ sung thêm thức ăn công nghiệp.

Tuy nhiên, để dế sống khỏe và phát triển đồng đều, nguồn thức ăn cung cấp phải thật sạch, không sử dụng các thức ăn bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù dễ nuôi nhưng dế thường hay mắc bệnh đường ruột, nếu không chăm sóc tốt có thể bị chết hàng loạt.

Nguyên nhân chính do nuôi mật độ cao, chuồng nóng ẩm hoặc thức ăn bị ẩm mốc. Vì vậy, trong một chu kì thu hoạch (từ 45 ngày), người nuôi dế phải dọn vệ sinh khoảng 2 – 3 lần.

Điểm đặc biệt của mô hình nuôi dế là đầu tư ít, hiệu quả kinh tế rất cao và không gây ô nhiễm môi trường.

Ông Huỳnh Thanh Nhuận, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Mô hình nuôi dế có nhiều tiềm năng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thực phẩm sạch từ đầu vào, gắn với việc bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới UBND thị trấn sẻ tích cực tuyên truyền, giới thiệu để giúp đỡ vấn đề đầu ra sản phẩm, đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương là hướng dẫn hộ tham gia chuổi giá trị sản phẩm OCOP tại địa phương”.

Thành công của mô hình nuôi dế của Nguyễn Thanh Sử đã mở ra hướng đi mới, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư, đưa các cây con giống mới vào sản xuất để phát triển kinh tế, góp phần xoá đối giảm nghèo tại địa phương.