Giá đất tăng nhanh có thể khiến nhiều người trẻ dần bỏ cuộc vì không mua nổi nhà, chuyển sang lối sống hưởng thụ, mặc kệ tương lai.
Trong các bài viết về câu chuyện đánh thuế mua bán bất động sản những năm đầu thật cao để tránh tình trạng đầu cơ và thu thuế cao bất động sản thứ hai trở lên để hạn chế tình trạng dân gom đất bỏ hoang thay vì đưa vào sản xuất, tôi thấy một số người lại tỏ ra khó chịu và phản đối. Cũng không lạ bởi nếu những điều đó trở thành hiện thực thì “chén cơm” của nhiều người sẽ bị ảnh hưởng.
Thực ra chẳng có quy định nào nói cấm người giàu mua đất và sở hữu nhiều bất động sản cả, và cũng chẳng có ý kiến nào muốn tăng thuế lên mỗi miếng đất của người đang sở hữu nhiều bất động sản, bất chấp họ sử dụng đất như thế nào. Nhưng chúng ta phải hiểu một thực tế là quỹ đất có hạn, nếu nhiều người đầu cơ, mua đất rồi bỏ hoang sẽ tạo ra khan hiếm ảo để đẩy giá đất lên. Đó mới là vấn đề đáng nói vì sẽ ảnh hưởng xấu đến toàn bộ các ngành nghề trong xã hội.
Người dân Việt Nam chủ yếu tập trung ở thành thị nên giá đất ở đây thường cao và khan hiếm. Trong khi đó, ở quê đất bỏ hoang rất nhiều. Thế nhưng, chưa kịp có kế hoạch giãn dân ra các vùng này thì các “cò đất” và dân đầu cơ (với những thông tin dự án bị rò rỉ nội bộ) đã lập tức dùng chiêu trò “thổi giá đất” lên gấp nhiều lần. Hệ quả là cơ quan chức năng phải tăng giá đền bù, dự án ì ạch, giãn dân mãi không được, ngân sách thâm hụt, nên buộc phải tăng thuế. Cuối cùng, lại khiến cho những người muốn mua nhà càng khó khăn hơn khi giá đất tăng và thuế cũng tăng.
Chỉ trong vòng 10 năm, giá nhà ở Việt Nam đã tăng lên 2,5 đến 3 lần, trong khi sự phát triển của nền kinh tế và mức tăng dân số thể hiện qua chỉ số thu nhập bình quân đầu người không tăng tương xứng. Điều đó chứng tỏ giá trị đất đang tăng quá nhanh so với cầu thực của thị trường và dẫn tới bong bóng đang lớn dần. Khi bong bóng phình lên quá nhanh sẽ làm tê liệt mọi hoạt động của nền kinh tế, bởi nhiều người trẻ dần bỏ cuộc vì có cố gắng cỡ nào cũng không thể nào mua nổi nhà. Họ sẽ chuyển sang lối sống hưởng thụ, mặc kệ tương lai.
Các doanh nghiệp nhỏ muốn khởi nghiệp cũng không thể tồn tại lâu vì giá nhà quá cao, dẫn tới giá thuê tăng, có buôn bán cỡ nào cũng lời không nổi. Doanh nghiệp ít thì tỷ lệ thất nghiệp cao, các vị trí việc làm phải cạnh tranh rất gắt gao nhưng đồng lương nhận được chưa chắc tương xứng. Và việc phải rất vất vả mới có việc làm lẫn giữ vị trí công việc sẽ khiến con người bị stress nặng nề, dễ mắc các bệnh khác, gây gánh nặng cho hệ thống y tế của nhà nước lẫn an ninh xã hội.
Tấm gương rõ nhất cho “vòng tròn độc hại” này chính là xã hội Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hiện tại. Tại đó, chỉ vì không quản lý tốt tình trạng tăng giá đất nên đã dẫn đến những hệ lụy và bất cập cho xã hội. Việt Nam hiện nay chưa đến mức đó, nhưng tại sao chúng ta không thay đổi để tiến lên, để tránh đi vào vết xe đổ của người khác?