Nhiều tòa nhà tái định cư xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ hoang khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo thống kê, hiện có hàng chục nghìn căn hộ phục vụ tái định cư đã hoàn thiện lại đang bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất đai, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước mỗi năm, trong khi nhu cầu tìm kiếm nhà ở của người dân ngày càng tăng cao.
Thực tế ghi nhận tại Hà Nội, nhiều dự án nhà tái định cư đã hoàn thiện phần thô, thậm chí đã hoàn thành nhưng chưa thể đón người dân vào ở do vướng mắc vấn đề pháp lý.
Đơn cử như tại dự án khu tái định cư Đền Lừ III (Hoàng Mai, Hà Nội), dù đã hoàn thành năm 2017 nhưng sau hơn 7 năm, hàng nghìn căn hộ tại dự án này vẫn chưa được nghiệm thu do còn một số tồn tại cần khắc phục, trong đó có vấn đề phòng cháy chữa cháy.
Trong khi đó, dự án nhà tái định cư trong Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) hiện cũng trong tình trạng bỏ hoang do vướng mắc pháp lý khi Long Biên được chuyển tiếp từ huyện thành quận.
Có thể thấy, mỗi dự án đều có vướng mắc riêng, nhưng điểm chung là tất cả đều hiện đang bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân đang ngày càng trở nên bức thiết, việc có nhà để an cư lập nghiệp đang là mơ ước của nhiều người dân sinh sống và làm việc tại Thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, con số khoảng 14.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang vừa được công bố mới đây chỉ tính các dự án được nhà nước đầu tư. Ngoài ra, còn rất nhiều dự án tái định cư do doanh nghiệp được giao tham gia cũng chưa thể bàn giao trong thời gian qua do các vấn đề pháp lý gặp khó khăn.
Điều đó có nghĩa, trên thực tế số căn hộ tái định cư bị bỏ hoang hiện lớn hơn nhiều so với số liệu công bố. Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.
“Đối với những quỹ căn hộ bị bỏ hoang này sẽ bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian, do đó sau này muốn bàn giao lại cho người dân cũng không thể được”, đại diện VARS cho hay.
Lý giải thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính phân tích, do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt.
Một số dự án tái định cư gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này khiến người dân không muốn chuyển đến ở.
Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ và hệ thống giao thông… làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân.
Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư vì toàn bộ số tiền được đền bù không đủ để mua suất tái định cư được giao.
Cùng quan điểm như trên, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Định Trọng Thịnh cho biết, pháp lý là vấn đề “khó” trong nhiều năm qua đối với nhà tái định cư. Điều này khiến số lượng rất lớn căn hộ dạng này không thể đến tay người dân, dù đã hoàn thiện nhiều năm.
Ngoài ra, vấn đề quy hoạch cũng đang có những bất cập khi nhiều khu tái định cư nằm ở vị trí “nhiều không”: không chợ, không trường học, không bệnh viện, không tiện ích,… khiến người dân không mặn mà về ở.
“Chưa nói đến chất lượng công trình, tôi đã đến những khu tái định cư mà người dân chỉ về ở một thời gian ngắn tường đã bong tróc, xuống cấp. Thậm chí nhà trên xả nước là nhà dưới thấm, dột. Do đó, cần sự vào cuộc đồng bộ từ quy hoạch, hoàn thiện pháp lý, quản lý chất lượng công trình, cơ chế,… thì mới giải quyết được vấn đề này để tránh lãng phí như hiện nay”, PGS.TS Thịnh chia sẻ.
Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế – xã hội hôm nay (23/5), những bất cập về thị trường nhà ở được nhiều ĐBQH quan tâm. Trong khi người dân rất khó tiếp cận nhà ở, giá chung cư liên tục tăng cao, thì hàng chục nghìn căn nhà tái định cư bị bỏ hoang gây lãng phí.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhiều căn hộ chung cư từng dùng làm bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 hiện bị bỏ không. Khu vực cầu Chương Dương sang Gia Lâm cũng có hàng loạt chung cư, căn hộ tái định cư bỏ hoang.
“Trong khi giá chung cư vừa qua tăng cao, nhu cầu của người dân nhiều nhưng chúng ta lại để lãng phí. Vì vậy, cần có giải pháp quyết liệt để đưa những căn hộ này vào sử dụng”, ông Hiếu cho biết.
Trong khi đó, ĐBQH Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, thị trường bất động sản hiện trong tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân cần phải điều chỉnh.
Đối với nhà tái định cư, tại Hà Nội hiện có hàng nghìn căn hộ bỏ hoang ở quận Long Biên, Cầu Giấy… Điều này đã làm lãng phí nguồn lực tài chính công. “Trong khi người dân thì vấn còn thiếu chỗ ở thì số lượng lớn nhà tái định cư bị bỏ hoang nhiều năm, do đó tôi thấy chúng ta cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”, ĐBQH Tạ Thị Yến nêu quan điểm.