Sửng sốt trước cả rừng “ong tử thần”
Người chúng tôi nhắc đến đó là anh Bùi Văn Quyến ở xóm Neo, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Suốt chục năm qua, săn ong vò vẽ đã trở thành nghề kiếm sống của anh Quyến, ngoài ra anh còn bắt tổ ong vò vẽ về nhà thuần hóa.
Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Quyến. Nhà anh ở sâu trong một quả đồi. Trước lúc đến nhà, hỏi thăm nhà anh, ai cũng đưa ra lời cảnh báo: “Vào đó chớ có manh động. Và không được tự tiện ra sau vườn dễ bị ong vò vẽ tấn công”.
Vừa đến cổng nhà anh Quyến, cảnh tượng đập vào mắt khiến chúng tôi bủn rủn chân tay. Bên triền đồi có vô số các tổ ong to nhỏ, được xếp theo hàng dài. Đám ong vò vẽ – loài ong có thể đốt chết trâu, đang bay vo ve quanh tổ. Phải đợi đến khi bố của anh Quyến đi ra chấn an: “Không sao đâu, các chú cứ vào tự nhiên. Bọn này nó chỉ tấn công người khi mình động chạm đến tổ của nó”.
Lời nói của lão nông người Mường phần nào giúp chúng tôi tự tin bước vào nhà. Lúc này, anh Quyến cũng vừa đi bắt ong về. Anh mặc bộ quần áo bảo hộ tựa như các nhà du hành vũ trụ. Từ đầu đến chân được áo bảo hộ phủ kín.
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, anh Quyến vội vàng giải thích: “Nếu không có bộ áo bảo hộ này, khó lòng mà bắt được ong vò vẽ. Ong rừng hung dữ hơn mấy đàn ong mà tôi đã thuần hóa ngoài bìa rừng”.
Qua câu chuyện với anh Quyến, chúng tôi được biết, vào đầu mùa mưa là cữ mà đám ong vò vẽ sinh trưởng, phát triển mạnh nhất. Chúng giao phối đẻ con rồi cùng tìm địa điểm xây tổ. Ở vùng núi đá Lạc Sơn này được coi là đại bản doanh của ong vò vẽ. Chúng đi theo đàn, tìm hang hốc, cây to làm tổ. Đầu tháng 3, chúng bắt đầu kéo quân đi chọn nơi đặt tổ. Chỉ sau vài tháng là tổ của chúng to bằng cái nồi cơm điện. Đến cuối năm nhiều tổ to bằng cái mâm.
Sau nhiều năm tìm kiếm ong rừng, anh Quyến thuộc nằm lòng đường đi lối lại. Dãy núi đá kéo dài từ đỉnh đèo Đá Trắng tới vùng núi cao Lũng Vân là địa bàn sinh sống của đám ong vò vẽ. Ngày nào anh Quyến cũng vào rừng săn ong.
“Ong vò vẽ rất hung dữ. Buổi sáng tôi vào rừng quan sát các con ong thợ đi kiếm ăn. Đến trưa chúng bắt đầu kéo về tổ. Tôi cứ theo hướng bay của chúng mà tìm đến. Đám ong vò vẽ thường ra các chân ruộng lúa bắt sâu, cào cào, châu chấu… Chúng rất thích ăn thịt, con nào chưa kiếm được mồi là chúng không chịu về”, anh Quyến cho hay.
Làm giàu bằng “ong tử thần”
Theo anh Quyến, suốt 10 năm qua, anh đã gắn bó với dãy núi đá chạy dài theo các xã vùng cao của huyện Lạc Sơn. Trước đây còn rừng già, ong vò vẽ nhiều vô kể. Sau mỗi năm, số lượng đàn ong cũng giảm dần. Do vậy càng ngày anh càng phải vào sâu trong rừng mới bắt được ong vò vẽ. Hôm nào may mắn bắt được 10 tổ. Có những hôm anh ngủ cả trong rừng vì đường đi quá xa.
Bắt ong vò vẽ là nghề vô cùng nguy hiểm. Nếu bị 5 đến 10 con ong vò vẽ đốt sẽ dẫn đến tử vong. Do vậy, trước khi vào rừng bao giờ anh cũng phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ như: Áo, quần, rồi găng tay…. thậm chí còn phải mang theo cả thuốc lá của người Mường phòng bị ong đốt.
Các tổ ong rừng mà anh Quyến bắt được, anh gây tổ cho chúng ở sau nhà. Họ hàng nhà chúng sinh sôi nảy nở suốt 6 tháng. Từ cái tổ bé bằng cái bát con, sau 5 tháng, tổ của chúng to bằng cái mâm. Khi chúng đẻ kín tổ cũng là lúc anh Quyến thu nhộng ong. Giá nhộng bán được 200.000 đồng đến 300.000 đồng/kg.
“Săn ong là nghề nguy hiểm, nhưng tôi đã quen với việc vào rừng. Mỗi tổ ong vò vẽ tôi bắt được trong rừng có thể cho thu nhập từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng. Nếu mình biết thuần hóa chúng sống ở vườn nhà sẽ thu được nhiều tiền hơn nữa”, anh Quyến bày tỏ.