Chia tay “kiếp ở trọ” ở tuổi 30: Chàng trai “nhả vía” 8 bước tiết kiệm cho những ai đang mơ ước có nhà riêng

“Đêm đầu tiên mình về nhà mới, nhà trống không, chẳng có đồ gì cả. Mình mua một hộp cơm, ngồi bệt xuống dưới đất để ăn và cảm thấy lâng lâng khó tả lắm. Đây là điều mình đã mơ ước trong mười mấy năm đi ở thuê, cuối cùng, mình cũng đã thực hiện được nó” .

Đây là những lời chia sẻ về hành trình mua căn nhà đầu tiên của Hà Mạnh – Nhà sáng tạo nội dung trên Youtube. Trong chuỗi podcast “Sống Một Mình” của mình, Hà Mạnh từng tiết lộ ở thời điểm quyết định mua nhà, anh có 3 tỷ trong tài khoản.

Để có được số tiền này, Hà Mạnh cho biết anh đã liên tục làm ít nhất 2 công việc một lúc trong suốt nhiều năm; đồng thời, luôn cố gắng sống tiết kiệm nhất có thể.

Chia tay “kiếp ở trọ” ở tuổi 30: Chàng trai “nhả vía” 8 bước tiết kiệm cho những ai đang mơ ước có nhà riêng - Ảnh 1.

Căn hộ Hà Mạnh mua ở tuổi 30 là căn hộ 2 phòng ngủ, chưa hoàn thiện nội thất

Được biết, căn nhà đầu tiên của Hà Mạnh là một căn chung cư 2 phòng ngủ, chưa hoàn thiện nội thất. Ở thời điểm năm 2022, với ngân sách 3 tỷ đồng, anh không ngại thừa nhận bản thân chỉ có thể mua được nhà ở các quận xa trung tâm TP.HCM.

Đó cũng không phải vấn đề quá lớn với Hà Mạnh. Yêu cầu tiên quyết của anh là nhà phải có 2 phòng ngủ, vì anh xác định sẽ sống 1 mình và dùng 1 phòng ngủ để làm phòng làm việc, phục vụ cho việc sáng tạo nội dung.

Sau khi chia sẻ thông tin về căn nhà đầu tiên mình sở hữu, những thắc mắc về bí quyết tiết kiệm để mua nhà ở tuổi 30 cũng được nhiều khán giả đặt ra cho Hà Mạnh. Trong một tập podcast chia sẻ về vấn đề này, Hà Mạnh đã chỉ ra 8 bước tiết kiệm giúp anh hiện thực hóa giấc mơ mua nhà.

Chia tay “kiếp ở trọ” ở tuổi 30: Chàng trai “nhả vía” 8 bước tiết kiệm cho những ai đang mơ ước có nhà riêng - Ảnh 2.

Hà Mạnh

1 – Xây dựng phong cách cá nhân

“Chúng ta thường luôn luôn nghĩ rằng mình cũng có gu đấy nhỉ. Nhưng sự thật là có những người 30 tuổi rồi vẫn phải đi học các lớp định hình, xây dựng phong cách cá nhân. Bởi vậy nên mình nghĩ rằng sẽ rất tuyệt vời nếu bạn đã biết làm điều này từ khi bạn mới 20 tuổi, vì bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền” – Hà Mạnh chia sẻ.

Trong tư duy của anh, phong cách cá nhân hay hình ảnh cá nhân chính là những gì mà bạn muốn mọi người nhớ về mình. Bạn có thể xây dựng phong cách cá nhân từ những chi tiết nhỏ nhất như quần áo, đầu tóc, đến những yếu tố lớn hơn như tác phong đi đứng, cách nói chuyện, ăn uống.

“Nếu bạn không phải là một người vô cùng xinh đẹp, không nổi bật trong giới thời trang và không đặt mục tiêu kiếm lợi nhuận từ việc xây dựng hình ảnh, bạn không cần phải biến hóa khôn lường hay làm lu mờ mọi người trong một đám đông, bạn chỉ cần một phong cách thôi và tất cả những gì bạn bỏ tiền ra để mua sắm đều phải trung thành với phong cách đó” – Hà Mạnh khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng phong cách cá nhân trong vấn đề tiết kiệm, hay nói cách khác chính là cắt giảm chi phí mua sắm quần áo, giày dép và phụ kiện.

2 – Tối giản đồ đạc

Đây là điều mà Hà Mạnh đã “ước mình biết sớm hơn, để thực hiện sớm hơn”.

“Đôi khi chúng ta mua sắm chỉ vì món đồ đó đang được giảm giá, hoặc thấy người khác có nên nảy sinh ham muốn sở hữu. Sẽ đến một thời điểm bạn nhận ra rằng niềm vui của việc shopping online hay mua sắm quá nhiều chỉ tồn tại ở khoảnh khắc bạn cầm món đồ đó trên tay thôi, sau đó, nó sẽ tan biến rất nhanh” – Hà Mạnh chia sẻ.

Chia tay “kiếp ở trọ” ở tuổi 30: Chàng trai “nhả vía” 8 bước tiết kiệm cho những ai đang mơ ước có nhà riêng - Ảnh 3.

Một góc trong căn hộ của Hà Mạnh

Sau đó, anh cũng gợi ý rằng ngoài việc phân biệt thứ mình cần mua với thứ mình muốn mua (do ham muốn nhất thời), bạn cũng có thể lựa chọn các sản phẩm đồ cũ đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí, đặc biệt là với mặt hàng đồ công nghệ – Một trong những món đồ phục vụ cho công việc sáng tạo nội dung của Hà Mạnh.

3 – Lên kế hoạch ăn uống

Hà Mạnh thừa nhận khoảng thời gian còn đi làm văn phòng, anh thường xuyên viện lý do “tôi quá bận để có thể tự nấu nướng”, để hợp lý hóa thói quen ăn hàng của mình. Tuy nhiên sau khi trở thành một Freelancer, Hà Mạnh nhận ra bữa ăn ngon nhất chính là bữa ăn do mình tự chuẩn bị từ A-Z, dù có không phải cao lương mỹ vị đi chăng nữa.

“Sẽ có rất nhiều lúc bạn bị cám dỗ, bị một ai đó rủ rê đi ăn hàng quán và mỗi bữa ăn ấy có thể lên tới vài trăm ngàn. Nếu thử nhẩm tính lại, bạn sẽ thấy khoản tiền chi cho việc đi ăn uống bên ngoài có thể gấp đôi, gấp 3 chi phí mua thực phẩm về nhà và tự nấu” – Hà Mạnh kể và khẳng định để hình thành thói quen nấu nướng, cách duy nhất là đưa bản thân vào khuôn khổ.

4 – Từ bỏ cám dỗ

Loại cám dỗ mà Hà Mạnh nhắc tới chính là việc dành thời gian để quan sát cuộc sống của người khác trên mạng xã hội.

Chia tay “kiếp ở trọ” ở tuổi 30: Chàng trai “nhả vía” 8 bước tiết kiệm cho những ai đang mơ ước có nhà riêng - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

“Thông thường, chúng ta sẽ bị lôi cuốn bởi những người giàu có, sang chảnh; hoặc những chuyến du lịch đắt đỏ, những địa danh được gắn mác nhất định phải đến một lần trong đời. Việc theo đuổi những ham muốn ấy có thể không hẳn là không tốt, nhưng nó làm cái mục tiêu lớn hơn của bạn sẽ bị dang dở” – Hà Mạnh khẳng định.

5 – Nghiên cứu trước khi mua sắm

Hệ quả của việc mua sắm theo ham muốn nhất thời chính là sau đó, bạn sẽ nhận ra mình đã tốn một khoản tiền “học phí”, đơn giản là vì bạn đã chi tiền cho thứ không phù hợp với bạn, hoặc không phải là món đồ bạn thực sự cần. Và Hà Mạnh gần như luôn hạn chế việc này bằng cách nghiên cứu kỹ trước khi mua sắm.

“Việc bạn trả tiền để có một món đồ không đơn thuần nằm ở việc chuyển khoản là xong, mà nó phải được tính bằng thời gian bạn làm việc để có được số tiền đó” .

Quy giá trị mọi món đồ ra số giờ làm việc để kiếm được chừng đó tiền là cách mà Hà Mạnh đã áp dụng và mách cho bạn, để không vung tay quá trán rồi lại ngồi than thở tiếc tiền.

6 – Những bài học miễn phí

“Có rất nhiều thứ bạn không cần phải trả tiền, bạn vẫn có được, một trong số đó chính là kiến thức của người khác. Không ít người sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm sống, về trải nghiệm của bản thân họ, về các phạm trù kiến thức trên các nền tảng khác nhau. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là dành thời gian để đón nhận chia sẻ của người khác” – Hà Mạnh khẳng định về một cách học hiệu quả và miễn phí.

Chia tay “kiếp ở trọ” ở tuổi 30: Chàng trai “nhả vía” 8 bước tiết kiệm cho những ai đang mơ ước có nhà riêng - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

7 – Chăm sóc sức khỏe

Sau 2 năm dịch bệnh, Hà Mạnh nhận ra tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe. Anh cho rằng ngay cả khi bản thân không may bị lừa mất tiền, hoặc việc bạn chi tiền cho những món đồ vô nghĩa, cũng không đáng tiếc bằng việc bạn phải chi tiền để chữa bệnh.

“Thay vì tốn tiền để lấy lại sức khỏe, cách tốt nhất là bồi đắp và giữ gìn lấy nó” .

8 – Chăm sóc tinh thần

Điều cuối cùng mà Hà Mạnh chia sẻ chính là chăm sóc sức khỏe tinh thần.

“Nếu như bạn vạch ra mục tiêu có căn nhà của mình và bạn cần 10-15 năm đi làm để có đủ tiền mua nhà, vậy thì trong suốt chừng đó năm, bạn sẽ luôn sống tằn tiện trong khổ cực hay sao? Mình không nghĩ như vậy. Trong khoảng thời gian rất dài này, chúng ta vẫn nên cảm thấy trân trọng những điều mà mình đang có” – Hà Mạnh chia sẻ.

Anh cũng cho biết thêm rằng bản thân luôn viết nhật ký biết ơn mỗi ngày, như một cách tự động viên bản thân, để có thêm sự lạc quan, tích cực trên hành trình đạt mục tiêu mua nhà.