Từ năm 2010, tận dụng đất vườn xung quanh nhà với diện tích gần 1.300 m2 ông Huỳnh Văn Vẽ trồng rau răm.
Đều đặn mỗi ngày gia đình ông Huỳnh Văn Vẽ, ngụ khu vực 5, phường 3, thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) cắt khoảng 500 bó, giá mỗi bó từ 600 đồng đến 800 đồng, ông thu khoảng 12 triệu/ tháng.
Theo ông Vẽ, thu nhập từ mô hình trồng rau răm lãi nhiều hơn so với trồng lúa. Thêm vào đó, trồng rau răm ít tốn công lao động và chi phí đầu tư hơn.
Rau răm cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa vì thời gian thu hoạch của cây lúa là khoảng 3 tháng.
Trong khi đó, cây rau răm sau khi trồng chỉ 1,5 tháng là có thể thu hoạch được và nếu chăm sóc tốt, rau răm có thể thu hoạch tới 3 đến 4 năm mới phải trồng lại.
Việc chuyển đổi cây trồng từ diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng các loại rau gia vị có năng suất và giá trị kinh tế hơn như trồng rau răm là hướng đi có hiệu quả, mà mô hình rau răm của gia đình ông Huỳnh Văn Vẽ chính là điển hình.
Tốc độ phát triển đô thị hóa, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nên việc chuyển đổi cây trồng cho phù hợp là rất cần thiết.
Trong ẩm thực, rau răm có tinh dầu mùi thơm đặc trưng dễ chịu, kích thích tiêu hóa, tăng thêm hương vị món ăn. Nhiều món ăn không thể thiếu rau răm như trứng vịt lộn, thịt gà xé phay hay còn gọi là nộm gà, canh chua cá đồng, cháo lươn, cháo trai, canh hến…
Theo Y học cổ truyền, rau răm vị cay, tính ấm nên có tác dụng ôn tỳ vị, tiêu thực, cầm tả lỵ, khử hàn, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu độc… Do đó, rau răm thường được sử dụng trị bụng đầy chậm tiêu, đầy hơi, tiêu lỏng, bí tiểu, phong thấp nhức mỏi, chàm lở, rắn cắn.