Tháng 3/2023, chị Minh Ngọc bắt đầu trồng rau trên sân thượng tầng hai của gia đình. “Xem trên các hội nhóm làm vườn thấy những giàn cà chua trĩu quả, rau xanh mướt tôi thích quá nên ghi chép kinh nghiệm của mọi người ấp ủ kế hoạch làm vườn”, chị kể.
Bà chủ vườn cho biết chi phí làm vườn khoảng 5 triệu đồng. Chồng chị tự làm giàn, kệ nên không tốn tiền công, ngoài tiền mua sắt nguyên liệu, chậu nhựa. Chị Minh Ngọc tận dụng thùng xốp để trồng rau.
Trước khi làm sân thượng vợ chồng chị đã làm thấm lót nền, hệ thống thoát nước.
Giá thể trồng rau gồm 50% đất, 20% các loại phân chuồng hoai mục như gà, bò trùn quế, phân dơi, 30% chất tạo xốp như trấu hun, xơ dừa, vỏ đậu xay qua xử lý và bột tricoderma (phòng và ngăn chặn sụ phát triển của nấm). Chị ủ giá thể trong 10-15 ngày trước khi đưa cây vào trồng.
Trên vườn, vợ chồng chị làm giàn trồng các loại dây leo như bầu, bí, mướp, dưa. Bên dưới chủ vườn trồng các loại rau ăn lá, gia vị và các loại rau ngắn ngày theo mùa như cải, mùng tơi, ngót, cải ngọt.
Với loại cây có quả cà chua, dưa, khổ qua, bầu bí, chị chủ yếu bón đạm (cá, bánh dầu, tôm, phân dơi, trùn quế, gà…). Giai đoạn ra hoa bón canxi (vỏ trứng) hoặc phun thêm canxiBo giúp cây ra hoa đậu quả cao hơn. Khi cà chua, dưa hấu, dưa lưới tạo quả nên bón thêm kali (dịch chuối) để tăng vị ngọt.
Hàng ngày, chị tưới nước vào sáng sớm và chiều tối, ưu tiên phòng bệnh hơn chữa.
Trồng theo hướng hữu cơ nên chị bắt sâu bằng tay, đặt bẫy ruồi vàng, dùng dung dịch tỏi ớt và rượu trị sâu bọ, nước vôi trong trị nấm, tinh dầu NEM hun trấu để đuổi bọ phấn trắng, chế phẩm sinh học Bio trị trĩ.
Trung bình 10-15 ngày một lần chị Ngọc phun xen kẽ các dung dịch này nhằm kháng bệnh, đồng thời tỉa lá già ở cây leo giàn để thông thoáng gốc.
Mướp đắng (khổ qua) hay bị ruồi vàng nên chị Minh Ngọc phải dùng túi vải không dệt bọc quả, đặt bẫy ruồi.
Làm vườn sân thượng ở miền Trung không dễ vì nắng gắt, lại mưa bão nhiều. Mùa hè chị phải tưới nước thường xuyên để giữ ẩm đất, làm mát rễ. Mùa mưa phải che đậy để tránh dập rau, trôi đất làm mất dinh dưỡng và giá thể.
Gần đây, chị Minh Ngọc trồng dưa lưới, dưa hấu, dưa bở, mỗi loại một hai cây để thử nghiệm. Trong đó, dưa lưới khó tính nhất. ”Ba tháng mới cho thu quả nhưng trong ba tháng đó có khi héo, ong ruồi chích là hỏng luôn”, chị kể.
Với người mới bắt đầu làm vườn, chị Minh Ngọc khuyên nên trồng ít để trải nghiệm, hiểu cây gì cần ưu tiên theo mùa và nên trồng loại ngắn ngày, dễ trồng, kháng bệnh tốt trước. Sau này, khi có kinh nghiệm người làm vườn có thể trồng nhiều, đầu tư chậu, kệ và mái che.
Vườn tạo nguồn rau an toàn và không gian xanh để gia đình chị Minh Ngọc thư giãn sau giờ làm việc. Con trai chị cũng được biết quá trình phát triển của cây cối, hiểu để thu hoạch hoa trái sẽ phải tưới nước, bắt sâu vất vả thế nào.
Từ khi làm vườn, chị không phải đi chợ mua rau cho gia đình ba người. Dù diện tích vườn không rộng nhưng nhờ bố trí cây trồng mỗi loại một ít nên đa dạng, xoay vòng liên tục.
Thậm chí chị còn có dư để biếu tặng được hàng xóm, người thân.
Điều chị vui nhất là truyền được cảm hứng và kinh nghiệm cho mọi người biến những khối bê tông khô cứng thành những khu vườn xanh mướt trên nóc nhà.