40ha hồi Bình Liêu nhiễm bệnh, rụng lá, khô cành
Người dân huyện miền núi Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) đã gắn bó với rừng hồi qua nhiều thế hệ. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu đang có khoảng trên 8.300ha hồi, tập trung chủ yếu tại các xã Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Húc Động.
Cây hồi đặc biệt phù hợp với những vùng có khí hậu mát mẻ, biên độ nhiệt dao động lớn giữa ngày và đêm. Vì vậy, chất lượng hoa hồi Bình Liêu rất tốt, thu hoạch đến đâu là được thu mua, xuất bán hết đến đó với mức giá khá cao. Thời điểm cao nhất, 1kg hoa hồi bán được đến 90.000 đồng/kg.
Chính vì vậy, cây hồi là được xem là “cây thoát nghèo” ở huyện Bình Liêu, giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy giá trị bền vững từ rừng. Mùa hoa hồi trở thành mùa no ấm của dân bản.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, trên các rừng hồi có hiện tượng cây bị rụng lá, hoa, quả và khô cành vào thời điểm từ tháng 9-10 năm trước đến tháng 1-2 năm sau. Đặc biệt gần đây, khoảng 40ha cây hồi trên địa bàn huyện Bình Liêu có hiện tượng rụng lá, hoa và rụng quả. Biểu hiện là trên các lá bánh tẻ và lá già xuất hiện những đốm tròn có vòng đồng tâm, ở giữa vết bệnh hơi bị lõm xuống; đầu một số cành bị khô; trên thân có các vết loang trắng. Nhiều cây hồi sau khi bị nhiễm bệnh đã trút rụng lá và đang nảy chồi lộc mới trở lại.
Ông Hoàng Văn Hải (thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, gia đình ông có 3ha diện tích trồng hồi, nhưng đến nay 2/3 diện tích hồi bị nhiễm bệnh. Cây hồi đang đúng tầm thu hoạch, cho hoa tốt nhưng bị bệnh nên sản lượng giảm nhiều, giá cũng giảm đi một nửa.
Trước tình hình trên, ngày 26/3 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh) đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Bình Liêu kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển và sinh vật gây hại trên cây hồi tại một số xã trên địa bàn huyện.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh, qua kiểm tra thực tế và báo cáo của các cơ quan chuyên môn trực thuộc huyện, hiện nay hầu hết các rừng hồi trên địa bàn huyện đang ở thời kỳ 20-30 năm tuổi, cây có sức sinh trưởng yếu do tuổi cây cao và thiếu dinh dưỡng.
Trên các lá bánh tẻ và lá già xuất hiện những đốm tròn có vòng đồng tâm, ở giữa vết bệnh hơi bị lõm xuống; đầu một số cành bị khô, trên thân có các vết loang trắng. Nhiều cây đã trút rụng lá và đang nảy chồi lộc mới. Diện tích bị rụng lá, khô cành khoảng trên 40ha.
Kết quả đánh giá ban đầu, hiện tượng rụng lá, khô cành trên cây hồi có thể do một số nguyên nhân gây ra. Cụ thể, hiện tượng rụng lá sinh lý, do sau các vụ thu hoạch quả, người dân thường không bón phân để bổ sung dinh dưỡng giúp cây phục hồi, chỉ một số ít hộ phát dọn thực bì. Bên cạnh đó, do các sinh vật gây hại như nấm, vi khuẩn, tuyến trùng,…
Hiện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh đã lấy mẫu gửi cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NNPTNT để phân tích, giám định nhằm xác định rõ hơn nguyên nhân gây bệnh. Khi có kết quả cụ thể, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp hướng dẫn người dân xử lý triệt để.
Ngăn bệnh hại trên cây hồi lan rộng
Trước mắt, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hiện tượng rụng lá, khô cành trên cây hồi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh khuyến nghị địa phương cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật để hạn chế rụng lá, rụng hoa, quả trên cây hồi. Cụ thể, hướng dẫn nông dân xử lý thực bì trong rừng hồi nhằm hạn chế cây ký chủ và môi giới truyền bệnh; bón bổ sung phân bón cho cây hồi bằng các loại phân hữu cơ, phân vô cơ đa lượng, vi lượng…
Bên cạnh đó, để bảo vệ các diện tích hồi đang nảy chồi lộc mới, bảo đảm năng suất, sản lượng hồi chính vụ, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh. Khi phát hiện bệnh gây hại, cần hướng dẫn nông dân dùng một số loại thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ như: Amistartop Super 400SC, Ridomil Gold 68WG, Antracol 70WP, Daconil, Score…
Khi bệnh đã phát triển mạnh, cần phun 2-3 lần, cách nhau 7-10 ngày, phun đủ lượng nước, đồng thời kết hợp tỉa cành, vệ sinh, phát quang rừng, bón phân hữu cơ… Chú ý, phun thuốc vào lúc buổi sáng hoặc chiều mát lúc trời không mưa.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất huyện Bình Liêu xây dựng một số mô hình áp dụng các biện pháp tổng hợp chăm sóc và phòng trừ sinh vật hại trên cây hồi để đánh giá hiệu quả, từ đó có cơ sở để nhân rộng, hướng dẫn người dân áp dụng.