Cầu vượt quan trọng nhất nút giao cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ thông xe vào tháng 10

Theo báo Giao Thông, ông Đặng Hữu Vị – Giám đốc Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam (VEC), cầu vượt trên Quốc lộ 50, đoạn giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. HCM sẽ đưa vào khai thác cuối tháng 10.

Ông Vị cho biết, đây là một trong hai cầu vượt quan trọng tại nút giao giữa Quốc lộ 50 và cao tốc Bến Lức – Long Thành. Hiện tại, phần kết cấu chính của cầu vượt đã hoàn thành và các hạng mục còn lại đang được gấp rút hoàn thiện để kịp tiến độ khai thác.

Cầu vượt quan trọng nhất nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ thông xe vào tháng 10
Vị trí của nút giao. Ảnh: Google Map

Ngoài ra, nhà thầu cũng đang tiến hành xây dựng một đơn nguyên khác song song với cầu vượt này. Trong tương lai, cả hai đơn nguyên sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ, mỗi đơn nguyên phục vụ cho một chiều xe chạy với mỗi bên gồm 3 làn xe.

Trước mắt, việc đưa vào khai thác một đơn nguyên của cầu tại nút giao cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ góp phần giảm tải và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao này khi mà Quốc lộ 50 thường xuyên quá tải.

 

Cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài gần 58km, đi qua các tỉnh Long An (2,7km), TP. HCM (26,4km) và Đồng Nai (28,7km).

Từ tháng 11/2024, VEC đề xuất khai thác tạm hai đoạn gồm: đoạn 3,4km từ nút giao cao tốc TP. HCM – Trung Lương đến nút giao Quốc lộ 1A (thuộc địa phận TP. HCM) và đoạn 6,1km từ nút giao Phước An đến nút giao Quốc lộ 51 thuộc tỉnh Đồng Nai.

Cầu vượt quan trọng nhất nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ thông xe vào tháng 10
Nút giao Quốc lộ 50 – cao tốc Bến Lức – Long Thành. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Đặc biệt, VEC phấn đấu thông xe đoạn 18km từ nút giao Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Tạo trước Tết Nguyên đán 2025. Dự kiến từ ngày 1/5/2025, VEC dự kiến bắt đầu thu phí phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này.

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành là một trong những dự án giao thông quan trọng, có vai trò kết nối các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực miền Tây với miền Đông Nam Bộ. Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, đồng thời giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường chính.