Để giúp nông dân có giải pháp thích ứng với những điều kiện khó khăn trong canh tác lúa, vụ đông xuân 2023 – 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long triển khai chương trình “Canh tác lúa thông minh, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.
Bên cạnh đó, để có hướng sản xuất bền vững, tiết kiệm tối đa chi phí và tối ưu lợi nhuận, chương trình có sự kết hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp và nông dân, trong đó có Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Bayer Việt Nam, Công ty VinaRice để tổ chức thực hiện mô hình trình diễn.
Tại Cần Thơ, mô hình “Canh tác lúa thông minh, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cờ Đỏ, Trạm Khuyến nông, HTX Nông nghiệp Công Danh, chính quyền địa phương cùng với các doanh nghiệp và công ty để tổ chức thực hiện mô hình trình diễn tại ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) nhằm chuyển giao đến nông dân giải pháp canh tác thông minh để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, giá phân bón tăng và dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt…
Mục tiêu chung của mô hình là giúp nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa tiên tiến (áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, giải pháp Much More Rice trong sản xuất, kỹ thuật tưới nước ngập – khô xen kẽ,…) nhằm giảm giá thành sản xuất lúa; giảm phát thải khí nhà kính; giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước và bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Đặc biệt là sau khi thực hiện mô hình, nông dân sẽ trở thành một chuyên gia trong trồng lúa.
Đây cũng chính là một trong những giải pháp nhằm góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp tại ĐBSCL.
Theo đó, các đơn vị đã thống nhất lựa chọn hộ ông Lê Thanh Tùng ở ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ để tham gia mô hình với diện tích 1,2ha; ruộng mô hình đối chứng là 2ha.
Ông Tùng cho biết, sau khi thu hoạch vụ lúa thu đông 2023, ông tiến hành bơm nước vào ruộng để cày vùi rơm rạ vào trong đất rồi cho nước vào ngập ruộng khoảng hơn 2 tháng để phân hủy rơm rạ và trả lại dinh dưỡng cho đất. Việc cho nước vào ngập ruộng cũng nhằm cắt đi nguồn sâu, rầy.
Trước khi sạ lúa 10 ngày, ông rút bớt nước ra khỏi ruộng để thực hiện công việc vệ sinh đồng ruộng, tu sửa bờ, khoan đường nước cấp trong ruộng kết hợp với việc xử lý ốc và diệt chuột. Trước sạ 2 ngày tiến hành bón phân lót đầu trâu mặn – phèn. Trước khi gieo sạ, ruộng mô hình được xử lí lại cho mặt đất bằng phẳng, đánh nhiều rãnh nước lớn và đánh gò cho kỹ nhằm tránh đọng vũng làm hao hụt lúa giống.
Ông Tùng áp dụng phương pháp sạ cụm bằng máy với lượng giống 50kg/ha, còn ruộng đối chứng áp dụng biện pháp sạ máy, lượng giống 154kg/ha. Cả 2 ruộng đều sử dụng lúa giống Đài Thơm 8 cấp xác nhận 1. Riêng về lượng giống gieo, ruộng mô hình tiết kiệm hơn ruộng đối chứng 104kg.
Đối với bón phân, hộ ông Tùng áp dụng kỹ thuật bón lót phân Đầu Trâu mặn – phèn đầu vụ và sử dụng phân bón chuyên dùng trên lúa theo công thức của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền để tăng hiệu quả sản xuất lúa. Bên cạnh đó, ông Tùng áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để giảm sử dụng thuốc BVTV; quản lý dịch hại theo quy trình giải pháp Much More Rice vào trong sản xuất lúa; thực hiện kỹ thuật tưới nước ngập – khô xen kẽ để tiết kiệm nước…
So sánh với ruộng sạ bằng máy thì ruộng sạ theo cụm thưa hơn, cây lúa phát triển khỏe hơn và cứng cây, ít đổ ngã, hạn chế sâu bệnh. Các khóm lúa đẻ nhiều nhánh, bông to. Qua đánh giá kết quả sản xuất, ruộng mô hình canh tác lúa thông minh đạt năng suất 9 tấn/ha, lợi nhuận hơn 52 triệu đồng/ha. Trong khi ruộng đối chứng đạt năng suất 8,23 tấn/ha, cho lợi nhuận trên 41 triệu đồng/ha.
Như vậy, với các biện pháp giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, sạ lúa theo cụm bằng máy và các kỹ thuật tiên tiến, ruộng mô hình phát triển khỏe mạnh, các khóm lúa thông thoáng, ít nhiễm sâu bệnh nên nông dân cũng bớt được một phần thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, ruộng mô hình giảm chi phí, tăng năng suất, nhất là lợi nhuận tăng hẳn so với ruộng đối chứng.
Vụ đông xuân 2023 – 2024, nông dân TP. Cần Thơ xuống giống hơn 72.800ha, đạt 101% kế hoạch, năng suất bình quân đạt gần 8 tấn/ha. Hiện bà con nông dân đã bắt tay vào sản xuất vụ hè thu 2024.
Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ lưu ý ngành nông nghiệp các địa phương và bà con nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ, áp dụng các gói kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để giảm chi phí, như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, cần mạnh dạn giảm lượng giống gieo sạ (khoảng 60-80kg/ha), gắn với chọn giống tốt, đạt từ cấp xác nhận trở lên để giúp cây lúa khỏe mạnh ngay từ đầu vụ. Áp dụng các giải pháp cơ giới hóa chính xác trong gieo sạ, bón phân, phun thuốc cho lúa để sử dụng vật tư tiết kiệm, hiệu quả và chú ý giải pháp vùi phân để hạn chế tình trạng phân bón bị hao hụt, bốc hơi trong mùa nắng. Tập trung chọn sản xuất các loại lúa chất lượng cao trong vụ hè thu (như OM 5451, OM 18…) để thuận lợi trong tiêu thụ…