Cá to bự quẩy nước ầm ầm trong lồng bè, dân lòng hồ Hòa Bình đang chống nóng cho đàn cá kiểu gì?

Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ cá lồng mùa nắng nóng

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino kéo dài từ năm 2023 đến hết tháng 4/2024 làm mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản lồng, bè.

Đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa, các yếu tố môi trường biến động mạnh kết hợp với hiện tượng mưa lũ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cá nuôi lồng, bè.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Hòa Bình đã tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi đăng ký lồng, bè theo quy định.

Đồng thời tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, làm tốt công tác kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi cá lồng, bè.

Ghi nhận của PV tại Hợp tác xã (HTX) Đà Giang ECO, xóm Điêng Lựng (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) chuyên nuôi và chế biến cá lồng từ sông Đà. HTX hiện có 10 thành viên, 40 lồng cá và liên kết với trên 100 hộ nuôi cá lồng thuộc xã Tiền Phong và Vầy Nưa.

Cá to bự quẩy nước ầm ầm trong lồng bè, dân lòng hồ Hòa Bình đang chống nóng cho đàn cá kiểu gì?- Ảnh 2.

Nhân viên Công ty Cường Thịnh chăm sóc đàn cá lồng mùa nắng nóng. Ảnh: Tuệ Linh.

Qua thực tế sản xuất, các thành viên HTX hiểu rõ, mùa nắng nóng, mưa lũ là thời điểm cá nuôi dễ bị tổn thương, thiệt hại do những yếu tố khách quan gây ra. Do đó, các thành viên trong HTX đã chủ động các biện pháp để đảm bảo an toàn cho đàn cá.

Chia sẻ với PV, anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc HTX Đà Giang ECO cho biết, một trong những giải pháp quan trọng nhất để hạn chế thiệt hại trong mùa nắng nóng là khâu chọn con giống, thời điểm xuống giống.

Cá to bự quẩy nước ầm ầm trong lồng bè, dân lòng hồ Hòa Bình đang chống nóng cho đàn cá kiểu gì?- Ảnh 3.

Trong đợt nắng nóng này, cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình bổ sung vitamin, chất khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng với diễn biến tiêu cực của dịch bệnh và môi trường. Ảnh: Trọng Hoài.

 

Theo đó, HTX thả cá giống vào tháng 7, tháng 8 của năm trước, với con giống có trọng lượng phù hợp.

Điều này đảm bảo trước khi đến mùa nước đục về (khoảng tháng 5, tháng 6) là cá đã đạt được tiêu chuẩn để xuất bán ra thị trường. Qua đó hạn chế được những rủi ro do thời tiết bất lợi gây ra.

“Trong mùa nắng nóng, mưa lũ nguy cơ cá bị thiếu oxy nên chúng tôi đã chủ động chuẩn bị trước sục khí. Đồng thời, khuyến cáo các thành viên, nếu lồng cá nào gần nước suối sạch thì dẫn ti ô nước từ suối vào lồng để làm bão hoà nước trong lồng.

Những ngày nắng nóng gay gắt thì vào ban đêm, HTX sẽ nâng lưới lồng để tránh cá ở sâu sẽ bị thiếu oxy. Đặc biệt là thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, tình hình chăn nuôi cá lồng ở phía thượng nguồn để có thể chủ động các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho cá nuôi, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại”, anh Hưng nói.

Cá to bự quẩy nước ầm ầm trong lồng bè, dân lòng hồ Hòa Bình đang chống nóng cho đàn cá kiểu gì?- Ảnh 5.

Nhờ chủ động các giải pháp bảo vệ cá mùa nắng nóng, hiện đàn cá của Trại nuôi cá Cường Thịnh Fish vẫn đang phát triển tốt. Ảnh: Tuệ Linh.

Được biết, từ khi thành lập đến nay, HTX Đà Giang ECO đã có bước phát triển nhanh, sản phẩm của HTX đã đến được nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Những giải pháp mà các thành viên HTX thực hiện là rất quan trọng để bảo vệ cá lồng trong mùa nắng nóng, mưa lũ.

Toàn cá to, bự nuôi trên hồ thủy điện Hòa Bình

Thực tế, từ khi nghề cá lồng phát triển mạnh trên vùng hồ Hoà Bình, đã có những năm xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trong mùa nắng nóng, mưa lũ.

 

Gần đây nhất là vào tháng 7/2021, Đà Bắc là huyện thiệt hại nặng nề nhất với trên 300 lồng cá của hơn 140 hộ bị thiệt hại, trọng lượng trên 33 tấn cá.

Nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do mực nước hồ Hoà Bình xuống thấp, cá bị ngạt vì thiếu oxy. Trong năm 2022 – 2023, nhờ sự chủ động của các hộ nuôi cá và sự vào cuộc của ngành chức năng, tình trạng cá chết đã giảm đáng kể.

Trại nuôi cá Cường Thịnh Fish (Công ty TNHH Cường Thịnh) nằm cách cảng Bích Hạ (xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) khoảng 30 phút đi thuyền máy. Đây là trại cá lồng được nuôi theo quy trình VietGAP lớn nhất lòng hồ Hòa Bình với quy mô hơn 3ha, trên 200 lồng cá

Công ty TNHH Cường Thịnh bắt đầu nuôi cá lồng trên sông Đà từ năm 2012 với quy mô 20 lồng. Đến nay, số lồng cá đã tăng lên trên 200 lồng, nuôi chủ yếu các loại cá đem lại giá trị kinh tế cao như: Lăng, diêu hồng, chép, rô dầm xanh, trắm đen…

Sản lượng cá các loại xuất ra thị trường mỗi năm đạt cả trăm tấn. Đến nay, trại cá Cường Thịnh Fish có 2 sản phẩm là cá lăng đen file, cá rô phi file đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Hòa Bình.

 

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh chia sẻ: Trong đợt nắng nóng này, nguy cơ cá bị thiếu oxy nên Công ty đang chỉ đạo nhân viên chủ động bơm nước để tạo oxy cho đàn cá.

Nếu trời nóng quá thì giảm lượng thức ăn đàn cá. Cùng với đó, nắm bắt dự báo thời tiết để chủ động các phương án nhằm đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro.

Ông Lương Thanh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình) khuyến cáo: Người chăn nuôi cần bổ sung vitamin, chất khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng với diễn biến tiêu cực của dịch bệnh và môi trường.

Treo túi vôi ở lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi. Bên cạnh đó, bố trí khoảng cách bè nuôi giữa các cụm cách nhau 10m, không bố trí bè nuôi quá dày, cản trở dòng chảy, làm oxy hòa tan vào nước trong bè nuôi cá giảm. Thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi, vớt xác cá chết, không vứt xác ra môi trường xung quanh.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần chuẩn bị sẵn máy bơm, máy sục khí để sẵn sàng ứng phó khi môi trường nuôi diễn biến xấu.

Thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường nước nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối. Phát hiện sớm những biến động môi trường ảnh hưởng xấu đến thủy sản nuôi và kịp thời xử lý. Trường hợp phát hiện cá chết, phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để xác định nguyên nhân và cách xử lý.