Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên khá giàu. Hiện tại, Cà Mau có khoảng 250.000ha đất nuôi tôm – cua kết hợp, hiệu quả kinh tế cao..
Gia đình ông Lê Minh Luân ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), có 2,8ha đất nuôi tôm – cua kết hợp và thả xen cua trong vuông tôm quanh năm. Cứ 2 tháng ông Luân lại thả thêm khoảng 3.000-4.000 con cua giống.
Cách nuôi này giúp gia đình lời khoảng 200 triệu đồng/năm, trong đó cua chiếm khoảng 40% giá trị. Ông Luân cho biết: “Tôi thả cua khoảng 3 tháng là tuyển bắt cua đực trước, còn cua cái phải đợi đủ gạch nên lâu hơn, khoảng 5 tháng mới thu hoạch. Quá trình thả nuôi chỉ cần đạt đầu con khoảng 35% là có lời”.
Hiện nay, không chỉ gia đình ông Luân mà 15 thành viên trong Tổ hợp tác số 5 ở xã Tân Hưng đều có nguồn thu đều đặn từ con cua, với khoảng 20-30 triệu đồng/ha/năm. Thuận lợi của người nuôi tôm – cua kết hợp là bớt được chi phí, tốn ít công chăm sóc hơn. Khi thả nuôi cua, người nuôi chú trọng gia cố bờ bao chắc chắn, vì cua có tập tính chịu rúc nên nếu bờ bao bị mọi, chúng sẽ đi. Cứ 3-4 ngày mới cho cua ăn 1 lần, thức ăn là cá phi sống phổ biến dưới vuông tôm.
Điều quan trọng nhất đảm bảo nuôi cua thành công là chọn con giống chất lượng và môi trường nước tốt. Ông Nguyễn Thanh Đoàn, người dân địa phương, chia sẻ: “Nuôi cua chủ yếu tốn tiền cua giống, còn vật tư xử lý môi trường thì khi nuôi tôm đã làm rồi, chỉ cần thả xen thêm cua. Nuôi cua không tốn tiền phân, thuốc; thức ăn cũng tận dụng tại chỗ nên ít tốn chi phí”.
Ông Ngô Văn Tiền, ngụ ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (Cà Mau) là một trong những lão nông có trên 25 năm thực hiện mô hình nuôi tôm, cua dưới tán rừng. Ông Tiền cho biết: “Gia đình tôi có hơn 5ha đất rừng được giao khoán và đã thực hiện mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đã nhiều năm qua. Mô hình sản xuất này được cái lợi là chi phí đầu tư thấp và hạn chế rủi ro. Sau khi trừ chi phí con giống, cải tạo nước,… thu nhập mỗi năm của gia đình tôi từ 200 đến 250 triệu đồng.
Đối với rừng phải trồng từ 20 năm trở lên mới được phép khai thác. Lần khai thác gần đây nhất của gia đình tôi là vào năm 2018, với diện tích rừng đến độ tuổi khai thác chiếm 50% tổng diện tích, cho thu nhập hơn 40 triệu đồng. Sau khai thác gia đình tôi tiến hành trồng lại rừng, đảm bảo diện tích rừng theo quy định, góp phần tạo môi trường để thủy sản phát triển”.
Gia đình bà Huỳnh Thị Nghiệp, ngụ ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (Cà Mau) cũng tham gia thực hiện mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng từ nhiều năm qua. Những năm đầu, gia đình bà Nghiệp thực hiện mô hình nuôi tôm dưới tán rừng trên toàn bộ 06 ha được giao khoán.
Trong 02 năm trở lại đây, gia đình bà Nghiệp tiến hành cải tạo lại vuông và thả nuôi kết hợp nhiều loại thủy sản trên cùng diện tích gồm nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi cua và sò huyết, trong đó có phân khu vực nuôi sò huyết giống. Việc đa dạng đối tượng nuôi trên cùng diện tích giúp gia đình cô có thu nhập thường xuyên, ổn định và đạt trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Bà Nghiệp cho biết: “Mặc dù, mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng tuy lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng điều làm gia đình tôi hài lòng nhất là chi phí đầu tư thấp, lại thích ứng tốt với thời tiết thất thường hiện nay, mô hình còn góp phần bảo vệ, phát triển rừng”.
Xác định nuôi thủy sản dưới tán rừng là mô hình bền vững để phát triển kinh tế, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian tới, Ban Quản lý rừng phòng hộ Biển Tây tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng; liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; kết hợp với các trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ để nghiên cứu thực hiện hầm than xuất khẩu; xây dựng thương hiệu tôm, cua sinh thái để nâng cao giá trị sản phẩm…