Trung tuần tháng 6, chúng tôi được vợ chồng chị Lê Thị Châu, anh Nguyễn Văn Phận dẫn đến thăm khu vườn trồng và chiết xuất tinh dầu hương thảo của gia đình tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.
Hiện trên diện tích đất rộng 3,5ha của gia đình chị Châu đang trồng các loại cây hương thảo, xạ hương, tràm trà, ngọc lan tây, oải hương…
Chị Châu, anh Phận là người được xem là những người trẻ có cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, địa phương đã hỗ trợ việc kết nối, tiêu thụ và các nguồn vốn để nâng cao, mở rộng sản xuất.
Những cây hương thảo đang mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình chị Châu-Nguyễn Văn Phận, nông dân thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).
Trò chuyện với phóng viên, chị Châu cho biết, trước đây, chị và chồng có việc làm ổn định tại TP. Đà Lạt. Đến năm 2017, vợ chồng chì đã quyết định trở về quê nhà tại thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) để khởi nghiệp.
“Đầu năm 2017, vợ chồng tôi được một người bạn tặng 10 cây hương thảo. Tôi rất thích nên đã trồng trong vườn. 3 tháng sau, những cành đã già được tôi cắt rồi nhân giống thêm. Giữa năm 2017, khu cây giống đã nhiều, tôi tiếp tục bàn với bố mẹ dùng 2.000m2 đất để trồng đại trà, mở ra một hướng đi mới tại địa phương.
Khi bỏ việc ở phố về quê, chỉ có bố mẹ là ủng hộ chúng tôi. Chứ còn mọi người đều bất ngờ, ý kiến. Thời điểm đó đúng là rất khó khăn đối với vợ chồng tôi.
Lúc trồng hương thảo chưa có thu hoạch gì thì chúng tôi trồng rau, cà phê cùng bố mẹ để có tiền sinh hoạt, chi tiêu. Nói chung là vất vả lắm”, chị Châu chia sẻ.
Từ 10 cây hương thảo do người bạn tặng, chị Châu và chồng đã nhân giống và chiết xuất tinh dầu hương thảo, bán ra thị trường trung bình 3 triệu đồng mỗi lít.
Ngồi giữa vườn hương thảo xanh tốt, chị Châu nhớ lại, cuối năm 2017, chị và chồng lại phải bước vào giai đoạn khó khăn nữa là học kỹ thuật chiết xuất tinh dầu. Cả hai vợ chồng tiếp tục phải gồng gánh, lo toan để có chi phí học tập, thử nghiệm.
Với 35 triệu đồng tích cóp, vợ chồng chị Châu và anh Phận đã thuê người thi công hệ thống chiết xuất tinh dầu. Hệ thống này sau đó vận hành thành công và ổn định. Những lít tinh dầu đầu tiên được đưa ra thị trường cho người thân, bạn bè dùng thử và nhận được những tín hiệu tích cực.
Tiếp lời vợ mình, anh Phận cho hay: “Sự kiên trì của vợ chồng tôi cuối cùng cũng được đáp lại bằng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số cơ sở du lịch tại TP Đà Lạt vào giữa năm 2018.
Từ đó đến nay, vợ chồng tôi tiếp tục mở rộng diện tích ra, được hỗ trợ vốn nâng cấp trang thiết bị chiết xuất tinh dầu hiện đại. Vì vậy, hiện tại chúng tôi đã được một số đối tác tại TP Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang ký hợp đồng bao tiêu”.
Hiện nay, trong 3,5ha đất của gia đình mình, chị Châu và anh Phận đã nhiều loại cây trồng dùng để chiết xuất tinh dầu như hương thảo, lavender, sả chanh, sả java, xạ hương, bạc hà… Chị Châu cho biết hiện vẫn đang tiếp tục mở rộng nguồn nguyên liệu cũng như thị trường để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang Trung Quốc.
Hiện, mỗi tháng gia đình chị Châu xuất bán ra thị trường từ 20 đến 30 lít tinh dầu các loại với giá dao động trên dưới 3 triệu đồng mỗi lít.
Ngoài ra, chị Châu còn bán khoảng 600kg lá hương thảo, xạ hương cho các nhà hàng, khách sạn chế biến món ăn với mức giá 70.000 đồng/kg.
Nói về mô hình trồng, chiết xuất tinh dầu của gia đình chị Châu, anh Phận, bà Nguyễn Thị Hảo – Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ thị trấn Nam Ban cho rằng, đây là mô hình đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao. Chị Châu còn mang lại công việc ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.
Hiện tại, địa phương đã hỗ trợ gia đình chị Châu tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ chủ cơ sở tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Sản phẩm tinh dầu hương thảo của gia đình chị Châu đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.