Tình trạng nắng nóng kéo dài đã và đang gây ra thiệt hại cả về trước mắt và lâu dài đối với cây trồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Ông Chu Hữu Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nhau cho biết: Hiện 7 thôn trên địa bàn xã đều bị ảnh hưởng hạn hán do nắng nóng kéo dài. Trong đó, nặng nhất là các thôn Đắk Xuyên, Đăng Lang, Đắk Nung, Đắk Wi.
Xã có duy nhất một hồ thủy lợi Đắk Liên. Đây là nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 2 xã Đắk Nhau và Đường 10. Hồ có tổng diện tích 7 ha, diện tích mặt nước khoảng 4 ha.
Do nhiều tháng không có mưa, hiện mực nước hồ xuống rất thấp. Nguồn nước này thời gian qua được dùng để cứu vườn cây cho các hộ vùng hạ lưu và ven hồ, còn các hộ ở cách xa từ 1,5km trở lên thì không thể.
Thời gian tới, nếu tiếp tục không có mưa, mực nước sẽ còn xuống thấp hơn nữa, đe dọa nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt và nước tưới vườn cây của người dân địa phương.
Thiệt hại khó đong đếm do thiếu nước
Ở cách xa hồ thủy lợi Đắk Liên nên tình trạng thiếu nước đã gây thiệt hại nặng cho nhiều hộ dân, điển hình như hộ ông Nguyễn Đức Cường ở thôn Đắk Liên. Toàn bộ vườn sầu riêng gần 2 ha với 200 cây mới trồng 6 tháng nay đã bị chết hoàn toàn.
Ông Nguyễn Đức Cường ở thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước thẫn thờ trong vườn sầu riêng đang bị suy cây, rụng lá và trái.
“Nhà tôi có cái ao, chưa năm nào bị hết nước nhưng năm nay đã hết từ nhiều tháng. Tôi khoan giếng thứ nhất sâu 150m, mất 2 tháng, không có nước; khoan giếng thứ 2 cũng hơn 150m, sau 1 tháng mới có ít nước. Trong khoảng thời gian đó, cây trồng không có nước tưới đã bị chết, suy kiệt. Ước thiệt hại nặng” – ông Cường xót xa.
Mọi hy vọng của gia đình ông chỉ còn trông chờ vào vườn sầu riêng lân cận với gần 100 cây đang cho trái năm thứ 2. Thế nhưng do chờ nước trong thời gian khoan giếng quá dài, cây đã bị suy kiệt.
Ông Cường cho biết, năm vừa qua, bình quân mỗi cây cho thu 1 tạ trái. Năm nay, khi rộ bông, ước thu khoảng 15-20 tấn trái. Thế nhưng, hy vọng khó đạt khi cây thiếu nước tưới làm rụng lá, rụng trái.
Giải pháp duy nhất hiện nay là cung cấp đủ nước để cứu cây. Xem như vụ sầu riêng năm nay, hộ ông thiệt hại hoàn toàn.
Nỗi lo lớn nhất của gia đình ông là khoản vay 300 triệu đồng đầu tư vào vườn sầu riêng đã bị chết.
Ông Cường mong ngân hàng cho gia hạn, giảm lãi suất và tiếp tục được thế chấp, cầm cố tài sản vay vốn để tái đầu tư.
Ngoài cây ăn trái thì cây công nghiệp lâu năm như cà phê cũng bị ảnh hưởng nặng. Ông Trần Văn Trường ở thôn Đăng Lang có 3 ha cà phê trồng xen sầu riêng. Vì thiếu nước tưới nên ông chú trọng cứu cây sầu riêng, trong khi cà phê đang rộ bông đành ngậm ngùi để khô héo.
“Cây cà phê bị khô bông, cháy lá thì vụ tới không có thu. Hết mùa này, tôi chặt chỉ để lại gốc, nếu phục hồi được thì tốt, không thì đành bỏ đi” – ông Trường tâm sự.
Nguy cơ đói giáp hạt
Theo ước tính sơ bộ của ông Chu Hữu Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nhau, nếu xét về góc độ kinh tế, ước thiệt hại do nắng hạn mùa này gây ra lên đến hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Đối với cây ngắn ngày thì không đáng kể, thế nhưng với cây công nghiệp, cây ăn trái như sầu riêng, ảnh hưởng cả trước mắt và lâu dài.
Giếng khoan sâu 150m không có nước, ông Cường đành để 200 gốc sầu riêng 6 tháng tuổi chết trong sự tiếc nuối, ngậm ngùi.
Trên địa bàn xã có 7.000 ha điều, nhưng vì nắng hạn, sương muối làm khô bông, nhiều hộ bị mất trắng, còn lại năng suất chỉ đạt 7-8 tạ/ha.
“Với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các hộ đông con, mất mùa sẽ dẫn đến tình trạng đói giáp hạt. Đây là một trong những vấn đề được chính quyền địa phương đang rất quan tâm, mong muốn các cấp kịp thời hỗ trợ. Chúng tôi đang thống kê để có hướng giải quyết thời gian tới” – ông Trọng cho biết.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, trước mắt địa phương vận động người dân chia sẻ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm.
Mong muốn các cấp hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân đào giếng nước tập trung, nhất là giếng khoan. Đồng thời, các ngân hàng quan tâm, gia hạn, miễn, giảm lãi suất, tiếp tục giải ngân vốn khi người dân có nhu cầu thế chấp tài sản vay vốn để tái đầu tư. Về lâu dài, cần nạo vét, mở rộng lòng hồ thủy lợi Đắk Liên; trữ nước ở các vùng thấp trũng.