Bỏ hơn 2 tỷ đồng mua 1.000 m2 đất ở Thạch Thất (Hà Nội), anh Đào Anh Quân (Hà Đông) đang rao bán 1 tỷ đồng vẫn chưa ai mua.
Trước thời điểm đất Thạch Thất (Hà Nội) lên cơn sốt vào đầu năm 2021, anh Đào Anh Quân được môi giới mời chào nên đã mang hết số tiền tiết kiệm của gia đình để mua 1 mảnh đất trồng cây công nghiệp lâu năm rộng 1.000 m2.
Thời điểm anh Quân mua, mảnh đất đã được bán đi bán lại qua 3 đời chủ chỉ trong vòng 1 tháng. Người mua đều chỉ đặt cọc vài ngày rồi “lướt sóng” là có ngay vài trăm triệu đồng.
Anh Quân kể, thời điểm anh mua, cũng có 3 – 4 khách đến và tranh nhau muốn đặt cọc. Vì vậy, anh Quân cũng không có nhiều thời gian để cân nhắc và suy nghĩ vì sợ mất “món hời”. Anh Quân chấp nhận trả giá cao nhất để mua được lô đất này.
“Mua xong lô đất, tôi thấy mình quá may mắn vì nghĩ đơn giản là đất đang sốt, cứ mua được là có lời. Lúc đó, môi giới nói có khách trả chênh 50 triệu đồng, hỏi tôi có bán không. Vì thấy các chủ trước của lô đất ai cũng lời 200 – 300 triệu đồng nên tôi quyết định giữ lại thêm một thời gian, nghĩ là lãi 50 triệu đồng thì không bõ bèn gì”, anh Quân nói.
Tuy nhiên, không giống những gì môi giới nói, từ khi sang tay anh Quân, lô đất trở nên đóng băng, không có khách hỏi, cũng không có người trả giá, thậm chí nhờ môi giới chào mời họ cũng làm lơ. Đáng nói là thời điểm này, thị trường nhà đất tại Thạch Thất vẫn sôi động, những lô đất khác vẫn được nhiều nhà đầu tư săn mua.
Lúc này, anh Quân mới tá hỏa tìm hiểu thì biết rằng mình đã trở thành con “gà béo” của môi giới. Thực tế, lô đất của anh Quân giá thị trường giao dịch chỉ 1,2 – 1,3 tỷ đồng. Nhưng môi giới đã liên tục tung chiêu lướt cọc khiến khách mua lầm tưởng lô đất này đẹp và đang sốt rần rần.
“Thực chất, môi giới họ có cả một đội tầm chục người, trong đó họ mua đi bán lại trong nhóm với nhau tạo sốt ảo, đẩy giá lô đất và tạo hiệu ứng sốt đánh vào tâm lý người mua. Tôi vốn tay ngang buôn đất nên dễ dàng sập bẫy, bị họ chăn dắt”, anh Quân kể lại.
Anh Quân phát hiện, 3 – 4 vị khách đến tranh giành mua đám đất với anh Quân đều là người của nhóm môi giới này, họ được bố trí đến để tạo hiệu ứng sốt ảo, khiến giá trị của mảnh đất tăng cao. Một môi giới khác cũng tiết lộ với anh Quân, ngay cả khi mua xong, nếu anh đồng ý chốt lời 50 triệu đồng để “lướt sóng” thì cũng không bán được. Bởi lẽ, đó chỉ là chiêu trò của môi giới. Nếu anh đồng ý bán, môi giới sẽ lật kèo nói khách lại không ưng, chờ họ tìm khách khác.
Đến giờ đã hơn 1 năm trôi qua, thị trường tại Thạch Thất cũng không còn sôi động như trước kia, lô đất anh Quân mua chấp nhận bán cắt lỗ còn 1 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua.
“Giờ những lô đất như của tôi ở Thạch Thất giá chỉ 800- 900 triệu đồng, nhiều lô vị trí còn đẹp hơn nên giờ cắt lỗ một nửa cũng không ai mua”, anh Quân buồn bã nói.
Chia sẻ về việc tay ngang buôn đất, anh Quân ngậm ngùi: “Tôi thấy bạn bè ai đầu tư đất cũng có lời, nên cũng không nghĩ nhiều mà lao vào không tính toán gì. Sốt đất như con dao hai lưỡi, nó khiến cho nhiều người giàu lên nhưng cũng khiến nhiều nghèo đi. Đây cũng là bài học lớn cho tôi”.
Theo các chuyên gia bất động sản, nếu giá bán cao hơn 10-15% so với giá thật của bất động sản có thể gọi là đắt, còn đắt mức trên 30% là “sốt”, trong đó phần lớn là sốt ảo. Nhiều người có nhu cầu thật nhưng không có thời gian tìm hiểu nên mua nhà với giá quá cao mà không biết.
Nếu đi mua bất động sản mà chỉ chăm chăm vào một bất động sản đó, tin vào lời môi giới thì rất dễ mua phải giá “hớ”, thậm chí mua đắt hơn hẳn các bất động sản cùng khu vực. Chẳng hạn, muốn mua một mảnh đất, tốt nhất là nên hỏi người hàng xóm xung quanh, xem giá cả ngôi nhà, đất đai ở đó ra sao, đất này có vướng tranh chấp hay “đụng độ” với hàng xóm hay không.
Bên cạnh đó, khách cũng nên đi xem ít nhất 4-5 miếng, đối chiếu về giá, so sánh về tiềm năng của từng khu vực nơi bất động sản tọa lạc để nắm giá cho chắc trước khi quyết định xuống tiền.