Thông thường, chim, cò hoang dã chọn nơi hoang vắng, ít người qua lại, hơn hết phải là vườn tràm nước, để về ở.
Thế nhưng, ở vùng Miệt Thứ thuộc xã Đông Thạnh, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang), một vườn dừa ăn trái, nằm ngay giữa đồng ruộng tôm – lúa, lại là nơi được nhiều loài chim, cò hoang dã về ở, trở thành điểm du lịch sinh thái đặc biệt ở nơi đây.
Chủ nhân của vườn dừa này là anh Danh Tính (sinh năm 1979, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Đông Thạnh). Gia đình anh có 3ha đất, trong đó có 2ha canh tác lúa, còn 1ha trồng dừa, ở dưới ao nuôi tôm, cua.
Từ năm 2013, các loại chim, cò hoang dã, nhiều nhất là loài cò về khu vườn của gia đình anh để trú ngụ.
Ban đầu, chúng về vài chục con để ngủ đêm rồi bay đi, sau dần lên vài trăm con, rồi hàng nghìn con chọn nơi đây làm chốn ngủ vào đêm, ban ngày bay đi kiếm ăn.
Khoảng thời gian cò về ở nhiều cũng là lúc gia đình anh Tính đang thu hoạch tôm, cua và dừa trái. Anh Tính cho biết, tôm, cua thu hoạch ở dưới ao không ảnh hưởng gì, nhưng dừa trái mỗi lần hái bán cho thương lái phải rửa từng trái rất mất thời gian vì ngoài vỏ dính phân chim, cò.
Đàn chim hoang dã hơn 10.000 con, trong đó chủ yếu là loài cò về sinh sản ngày càng nhiều tại vườn cò anh Danh Tính, nông dân ấp Thạnh Lợi, xã Đông Thạnh (huyện Anh Minh, tỉnh Kiên Giang).
Đàn cò về trú ngụ ngày càng nhiều, nguồn nước bị ô nhiễm từ phân cò, không nuôi các loài thủy sản dưới ao được. Các cây dừa được đàn cò dùng làm tổ, sinh sản thêm.
Lúc này, anh Tính bàn với gia đình dành hẳn khu vườn cho đàn chim, cò ở, bởi nếu tiếp tục canh tác và thu hoạch nông sản sẽ ảnh hưởng đến chúng.
Vốn dĩ sinh ra và lớn lên ở vùng U Minh Thượng, cả gia đình anh Tính đều yêu quý động vật hoang dã nên đồng ý.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Xuân, vợ anh Tính, cho biết: Trong 5 năm đầu, đàn cò đến đây, chỉ có cò trưởng thành, cứ sáng đi ăn, tối về ngủ.
Vài tháng sau, bắt đầu thấy cò sinh sản, xuất hiện cò con, rồi cò con lớn lên cũng ở đây luôn, đàn sinh sôi rất mạnh. Đến nay, ước tính trên 10.000 con trú ngụ tại khu vườn. Những cây dừa cũ không còn đủ chỗ làm tổ cho đàn cò.
Thấy thương chúng, vợ chồng tôi trồng dừa thêm 1,5ha phía sau vườn cò cho bầy cò có chỗ đậu. Anh Danh Tính bộc bạch: “Sau khi nhường đất cho chim, cò về ở, gia đình tôi suy nghĩ phải tìm phương án khác để kiếm thu nhập.
Nhà ở ngay ngã tư con kênh Thầy Hai giáp với địa bàn 4 xã là Đông Hòa, Tân Thạnh, Thuận Hòa và Đông Thạnh nên tiện đón khách du lịch.
Chúng tôi cất mấy cái chòi lá, mua thêm võng bán nước uống cho bà con trong huyện đến xem đàn cò. Dần dần có khách ở ngoài huyện, tỉnh đến xem.
Gia đình tôi phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ lại qua đêm cho khách để tăng thu nhập. Chúng tôi yêu cầu không ai được đụng đến đàn cò, không được săn bắt hay ăn loại chim, cò quý hiếm này”.
Anh Tuấn (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình anh dành cả tuần tham quan, nghỉ dưỡng tại vườn cò này. Ở đây ngoài việc được ngắm chim, cò, câu cá, gia đình anh còn được hít thở không khí trong lành của vùng sông nước Miệt Thứ U Minh Thượng, được ăn các loài cá đồng, rau đồng, hải sản tươi sống nên rất thích thú.
Ông Nguyễn Văn Sang, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Lợi, cho biết, từ khi chim, cò về trú ngụ làm tổ sinh sản ở phần đất của anh Tính.
Cùng với việc tuyên truyền cho bà con biết đây là loài động vật hoang dã cần được bảo vệ, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân trên địa bàn, nhất là gần khu vực vườn cò không được săn bắt bằng mọi hình thức.
Bên cạnh đó, chính quyền khuyến khích gia đình anh Tính nhân rộng diện tích để đàn cò sinh sản, địa phương sẽ đề xuất, hỗ trợ để hộ gia đình phát triển mô hình du lịch sinh thái có nguồn thu nhập.
Theo ông Lê Thanh Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thạnh, mô hình làm du lịch sinh thái vườn của hộ gia đình nông dân Danh Tính đang được địa phương rất quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ để phát triển. B
ước đầu, Hội Nông dân xã đề xuất để gia đình anh tiếp cận được nguồn vốn sự nghiệp từ UBND huyện và Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, mở rộng diện tích trồng thêm dừa, mở thêm các dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo ông Lê Hoàng Đảm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện An Minh, (tỉnh Kiên Giang) vườn cò của gia đình anh Danh Tính là duy nhất trên địa bàn.
Từ năm 2023, vườn cò kinh doanh du lịch, phục vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, tạo thu nhập cho hộ gia đình. Đến tham quan, nghỉ dưỡng ở đây, du khách có thể dùng dịch vụ đi thuyền máy trên các con kênh, rạch vùng sông nước và câu cá ven biển.
Nhờ vậy, đến nay nhiều du khách từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… đến tham quan, nghỉ dưỡng. Để khuyến khích vườn cò phát triển, chính quyền nên đầu tư mở rộng đường vào, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để chủ vườn cò mở rộng thêm quy mô ăn, nghỉ. Bên cạnh đó, chủ vườn cò cần có phương án bảo vệ đàn chim, cò hoang dã.