Bến Tre: Lực lượng chức năng, nông dân vẫn đang tìm cách diệt trừ con vật quái ác này

Hiện nay, tình hình sâu đầu đen gây hại dừa bùng phát mạnh ở Bến Tre đã làm cho người nông dân trồng dừa trên địa bàn TP. Bến Tre gặp nhiều khó khăn. Ba xã chịu thiệt hại bởi sâu đầu đen nhiều nhất trên địa bàn TP. Bến Tre là Phú Nhuận, Bình Phú và Phú Hưng.

Do đó, mọi công tác ứng phó với sâu đầu đen đang được địa phương triển khai thực hiện để mau chóng lấy lại màu xanh trên những vườn dừa, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Trong ứng phó với loài sâu đầu đen phá hại vườn dừa ở tỉnh Bến Tre, nuôi và thả ong ký sinh là biện pháp được ưu tiên thực hiện.

 

Sau khi sâu đầu đen xuất hiện trên địa bàn ấp Mỹ Đức, xã Bình Phú vào tháng 11-2020, với diện tích nhiễm ban đầu khoảng 0,2ha, được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, TP.

Bến Tre đã triển khai kế hoạch phòng trừ sâu đầu đen gây hại cây dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Đồng thời, TP Bến Tre khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn các biện kỹ thuật phòng trừ SĐĐ.

Trong năm 2021 tổ chức 7 lớp cấp xã, phường và 1 lớp cấp thành phố với khoảng 600 người tham dự.

Thực hiện in 5 ngàn tờ bướm tuyên truyền các biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen để kịp thời cung cấp cho xã, phường trên địa bàn TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre).

Ở Bến Tre lực lượng chức năng, nông dân vẫn đang tìm cách diệt trừ con vật quái ác này- Ảnh 2.

Nhân viên kỹ thuật Phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre hướng dẫn người dân thả ong ký sinh góp phần diệt trừ sâu đầu đen tại vườn trồng dừa.

 

Ban đầu, công tác phòng trừ cơ bản mang lại hiệu quả, các diện tích bị nhiễm sâu đầu đen gây hại trên các cây dừa thấp, người dân dễ thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre (cắt tỉa tàu dừa, phun thuốc trừ sâu gốc sinh học…) nên tỷ lệ lây lan chậm.

Việc can thiệp bằng thuốc trừ sâu kịp thời và đúng cách nên đã giúp các diện tích phục hồi khá tốt.

Cụ thể là khu vực ấp Mỹ Đức, xã Bình Phú đến nay phục hồi trên 80%, khoảng 20ha.

Nhưng khi sâu đầu đen bùng phát mạnh, gây hại trên các vườn dừa cao thì công tác phòng trừ bắt đầu gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, các khu vực giáp ranh xã Hữu Định, huyện Châu Thành, xã Phú Hưng, phường Phú Tân (TP. Bến Tre) và một số xã, phường khác tiếp tục bị lây lan nhanh.

Thành phố đã thành lập ngay các tổ khảo sát để nắm lại diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại.

 

Đồng thời, thành phố cũng chỉ đạo cho các địa phương tiếp tục vận động hướng dẫn người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng trừ theo khuyến cáo.

Cụ thể, trong năm 2022, thành phố phối hợp với Trạm Khuyến nông thành phố, Chi cục TT&BVTV tỉnh Bến Tre tiếp tục tổ chức 8 lớp tập huấn các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen và 5 lớp nhân nuôi ong ký sinh.

Trong năm 2022, thành phố tiếp tục in 2 ngàn tờ bướm tuyên truyền; thành lập đoàn tổ chức kiểm tra, khảo sát các xã, phường trong công tác phòng trừ sâu đầu đen của các địa phương.

Chủ yếu giai đoạn này, người dân thực hiện các biện pháp hóa học là chính, do tỷ lệ sâu hại lây lan nhanh và mạnh hơn thời điểm trước và sau đó xin nguồn ong ký sinh từ Chi cục TT&BVTV tỉnh Bến Tre để thả trên các vườn dừa khi mật độ sâu đầu đen gây hại cơ bản được kiểm soát.

Theo Phó trưởng phòng Kinh tế TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) Phạm Bùi Minh Tú: Đến nay, tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen lũy kế trên địa bàn thành phố là 241/2.454ha, chiếm 9,82% diện tích vườn dừa; trong đó, tỷ lệ phục hồi khoảng 191ha; hộ tự đốn bỏ và trồng mới khoảng 30ha.

 

Trên địa bàn thành phố có 10/14 xã, phường (Phường 6, Phường 8, Phú Tân, Phú Khương, các xã Phú Hưng, Sơn Đông, Bình Phú, Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận và Nhơn Thạnh) với 529 hộ bị ảnh hưởng.

Ông Phan Văn Nghị, 65 tuổi, ngụ tại ấp Mỹ Đức, xã Bình Phú cho biết: “Vào khoảng năm 2022, hơn 5 công dừa của tôi bị thiệt hại nặng bởi sâu đầu đen. Tôi đã phải đốn bỏ rất nhiều cây dừa, làm cho sinh kế của gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên từ năm 2023 đến nay, nhờ có chiến dịch hỗ trợ OKS thả trong vườn dừa mà giờ đây vườn dừa của tôi đã bắt đầu tươi tốt trở lại”.

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Bến Tre-ông Võ Văn Nam thông tin: “Trong năm 2023, tổng số ong ký sinh được thả tại các vườn dừa ở TP. Bến Tre khoảng 50 triệu con.

Để tiếp tục giúp cho TP Bến Tre loại trừ toàn bộ sâu đầu đen trên các vườn dừa.

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục TT&BVTV tỉnh Bến Tre đã thả trên 5 triệu con ong ký sinh.

Để việc thả ong ký sinh diễn ra thuận lợi, khuyến cáo người dân nên phóng thích khi ong nở đều, phóng thích nơi râm mát, ít gió, hạn chế nơi có kiến”.

“Hiện tổng diện tích trồng dừa bị nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh Bến Tre là 353,97ha.

 

Lũy kế diện tích nhiễm sâu đầu đen đến nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre là 2.627,28ha.

Trong diện tích trồng dừa bị nhiễm sâu đầu đen lũy kế diện tích cây dừa đã phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học 2.179,36ha.

Diện tích dừa phải đốn do bị sâu đầu đen gây hại trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre là 93,95ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện triển khai 9 điểm nhân nuôi ong ký sinh trên địa bàn các huyện.

Các đơn vị đang duy trì nhân nuôi và phóng thích các vùng nhiễm sâu đầu đen để kiểm soát sâu đầu đen trong năm 2024”. (Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre-ông Võ Văn Nam).