Ít ai tin được, từ một loài cây cỏ dại, mọc hoang khắp nơi từ những ngọn đồi, vách đá, cho đến các bãi bồi ven sông, cây cỏ lau (hoa lau) giờ đã có thể là sản phẩm xuất khẩu, đem lại nguồn thu nhập cho người biết nắm bắt cơ hội kinh doanh…
Trên diện tích 3.000 m2 ruộng ở tổ dân phố Bồ Vi 2, thị trấn Yên Thịnh (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) của gia đình anh Lương Văn Tuệ bạt ngàn những cành lau trắng muốt nằm ngay ngắn dưới cái nắng nóng giữa đông để chờ phơi khô, xử lý để giữ được màu trắng tinh khôi tự nhiên, bông xù đẹp, độ dài vừa phải.
Không quản thời tiết nắng nóng hay gió rét, những lao động vẫn miệt mài chọn và bó những bó lau theo đúng tiêu chuẩn để chuẩn bị giao hàng cho khách.
Chị Hồng Thắm, vợ anh Tuệ vừa chỉ đạo lao động nhanh tay bó lau vừa kể câu chuyện về sự gắn bó với nghề.
Một lần tình cờ biết người họ hàng ở Lào Cai chuyên thu gom lau để xuất sang Trung Quốc, vợ chồng anh Tuệ đã tìm hiểu thị trường và bắt tay khởi nghiệp với nghề thu gom bông lau.
Gọi là nghề nhưng thực chất công việc thu gom, xử lý và chọn lọc bông lau chỉ diễn ra trong khoảng 2 tháng mỗi năm. Hàng năm, cứ độ tháng mười về, khi những bông lau nở trắng xóa trên các sườn đồi, thung lũng, ven sông…là lúc người dân nô nức đi thu hoạch lau.
Lau ở Tràng An, Ninh Bình đẹp, thu hút đông đảo các bạn trẻ tìm về để check -in, chụp ảnh, lưu giữ những kỷ niệm đẹp về nét quê thanh bình, giản dị, đặc trưng của loài hoa khi đông về.
Còn với người kinh doanh, lau lúc này vào độ đẹp nhất, những cây cỏ lau đã trổ bông vào vụ mùa từ tháng 10, tháng 11 được cắt lấy phần bông phía trên của mỗi cây, sau đó sẽ được đem về xử lý và phơi khô.
Thành phẩm là những bông lau nở bông xù, trắng muốt, được bảo quản trong bao bì, túi ni lông để xuất cho các đơn vị chuyên làm tổ chức sự kiện hoặc kinh doanh phụ kiện.
Để có nguồn nguyên liệu, anh Tuệ đã phải đi nhiều tỉnh phía Bắc, miền Trung để tìm mua, vận chuyển về Ninh Bình. Lau từ Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa… được tập kết về khu ruộng của gia đình, trải qua quá trình chọn lọc, xử lý, phơi khô mới đủ tiêu chuẩn đến tay khách hàng.
Hai năm đầu thực hiện mô hình, sản phẩm bông lau của gia đình anh Tuệ chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua công ty của người họ hàng. Lúc cao điểm, gia đình anh phải thuê đến 40 lao động thời vụ.
Bông lau (hoa cỏ lau) ở Ninh Bình được tập kết để phân loại, xử lý, phơi khô…
Năm nay, hàng không xuất khẩu được nên gia đình anh Tuệ chuyển hướng chào hàng cho các khách hàng là công ty tổ chức sự kiện, kinh doanh phụ kiện ở các tỉnh, thành trong nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…
Hiện trên thị trường, bông lau được rao bán với giá từ 10.000 đồng- 15.000 đồng/bông. Bông lau được thu hoạch, thu gom chỉ khoảng trong 2 tháng là kết thúc.
Thời điểm thu gom hoa lau, nỗi sợ lớn nhất của người thu gom là thời tiết ẩm thấp, gặp mưa. Nếu dính mưa, bông lau hỏng rất nhanh, hầu như phải bỏ đi không sử dụng được…
Gắn bó với loài hoa dại này đã 3 năm, là một trong nhiều công việc mưu sinh của gia đình, tuy nguồn thu không kéo dài và chưa thực sự ổn định nhưng với gia đình anh Tuệ, việc góp phần đưa loài hoa dại về phố cũng lấp lánh niềm vui.
Bởi những bông lau hiện nay đã được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống: dùng lau để trang trí rạp đám cưới, cắm bình, trang trí sự kiện… đã góp phần đem đến cho cuộc sống những nét đẹp của một bức tranh miền quê thanh bình, giản dị giữa phồn hoa đô thị.
Bên cạnh đó, những ngày lau được tập kết về khu ruộng, đã có nhiều nhiếp ảnh gia, người dân tìm đến để chụp những bức ảnh đẹp, gia đình anh Tuệ luôn vui vẻ chào đón, tạo mọi điều kiện để họ có được những kỷ niệm đẹp về mùa lau trắng.