Bất ngờ loài cá nuôi ở huyện miền núi Bình Định bay sang Nhật Bản làm món sashimi khoái khẩu

Cá diêu hồng được nuôi ở hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) “bén duyên” với thị trường Nhật Bản là câu chuyện rất bất ngờ. Nhiều người ở Nhật khi thưởng thức món sashimi từ cá diêu hồng tỏ ra rất thích thú vì “ngon và chất lượng”.

Cá diêu hồng nuôi tại Bình Định bay sang Nhật Bản

Theo ông Huỳnh Việt Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, hồ Định Bình, huyện miền núi Vĩnh Thạnh có dung tích chứa lớn nhất Bình Định với hơn 226 triệu m3, diện tích mặt nước rộng 1.200ha.

Mặc dù người dân địa phương mới chỉ khai thác được một góc nhỏ diện tích mặt hồ để nuôi cá nước ngọt, nhưng sự hiệu quả được đánh giá rất khả quan.

Hiện nay trong lòng hồ Định Bình có 32 hộ nuôi cá lồng với 216 lồng nuôi, tổng thể tích khoảng 10.800m3, chủ yếu là nuôi cá diêu hồng, cá thát lát, cá lăng.

Điều bất ngờ, cá diêu hồng của hồ Định Bình, huyện miền núi Vĩnh Thạnh đã tiếp cận được với người Nhật Bản và cho tín hiệu tốt. Người Nhật Bản thì khoái ăn thủy sản, lại rất khoái món sashimi.

Bất ngờ loài cá nuôi ở huyện miền núi Bình Định bay sang Nhật Bản làm món sashimi khoái khẩu- Ảnh 1.

Cá diêu hồng được nông dân nuôi ở hồ Định Bình, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định. Ảnh: QN.

Trong chuyến tham quan mô hình nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ Định Bình do Trung tâm Khuyến nông Bình Định mời, ông Kosaburo Kimura – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định (doanh nghiệp Nhật Bản chuyên gia công mặt hàng thủy sản có mặt tại Bình Định từ năm 2018) đã thử mua vài ký cá diêu hồng mang về chế biến thành món sashimi, đóng hộp rồi gửi về Nhật để các đối tác thử khẩu vị.

 

Không ngờ sau đó, từ bên Nhật phản hồi lại rằng cá diêu hồng ăn sashimi không có mùi rong, mùi bùn, rất khoái khẩu nên Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định đã đặt vấn đề thu mua hàng số lượng lớn.

“Trung tâm Khuyến nông Bình Định và Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định theo đó đã ký kết liên kết sản xuất, tiêu thụ cá diêu hồng trong những năm tới”, ông Huỳnh Việt Hùng nói.

Bình Định đang thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025 theo Quyết định số 38/2019/QĐ-UBND ngày 19/07/2019, của UBND tỉnh Bình Định.

Trong những ngày cuối năm 2023, Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định và Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã lập Dự án “Hỗ trợ, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cá diêu hồng thương phẩm tại hồ Định Bình” với kinh phí thực hiện dự kiến gần 57 tỷ đồng theo hình thức nhà nước, doanh nghiệp và người dân chung tay hợp tác đầu tư.

Trong đó, nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí tập huấn, kinh phí sơ kết và tổng kết hàng năm, hỗ trợ cá giống và vật tư, hỗ trợ kinh phí thuê cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình, kinh phí quản lý phí mô hình…

Kinh phí đối ứng của các đối tượng tham gia liên kết gần 32 tỷ đồng, trong đó có kinh phí của doanh nghiệp dự kiến để thu mua cá diêu hồng thương phẩm 85 tấn/năm với giá 55 triệu đồng/tấn, mức giá cao hơn giá thị trường 10%.

Dự án được thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026. Trong giai đoạn này, thể tích lồng nuôi liên kết sẽ ổn định 8.500m3/2 vụ, năng suất bình quân đạt 42,5kg/m3, sản lượng thu mua 180 tấn/vụ để đáp nhu cầu thu mua 30 tấn/tháng của doanh nghiệp.

Vẫn theo ông Huỳnh Việt Hùng, nuôi cá diêu hồng trong dự án sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất truyền thống khoảng gần 33,3 triệu đồng/200m3 lồng nuôi.

Đồng thời, giúp gia tăng tính gắn kết cộng đồng, khắc phục những hạn chế về vấn đề tiêu thụ sản phẩm của người nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn.

Bất ngờ loài cá nuôi ở huyện miền núi Bình Định bay sang Nhật Bản làm món sashimi khoái khẩu- Ảnh 4.

Cá diêu hồng được nuôi ở hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) “bén duyên” với thị trường Nhật Bản, là câu chuyện rất bất ngờ. Ảnh: QN.

Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, “cầm tay chỉ việc” cho người nuôi từ công đoạn chuẩn bị lồng bè đến mua cá giống, vật tư sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật và phòng trị bệnh suốt vụ nuôi.

“Việc liên kết nuôi cá diêu hồng thương phẩm gắn với bao tiêu sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, thể tích…”, ông Hùng cho hay.

 

Kỳ vọng làm giàu của người nuôi cá nước ngọt

42 tuổi, nông dân Nguyễn Nhị ở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện miền núi Vĩnh Thạnh) đã có thâm niên hơn 10 năm nuôi thủy sản nước ngọt trong lòng hồ Định Bình. Hiện, anh đang nuôi 12 ô lồng cá diêu hồng, mỗi ô lồng nuôi 50kg cá giống.

Cá diêu hồng thương phẩm phải đạt trọng lượng từ 7 lạng trở lên/con. Hiện đầu ra của cá diêu hồng nuôi trong lòng hồ Định Bình được các thương lái thu mua để cung ứng cho thị trường các tỉnh Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai.

“Cá diêu hồng thương phẩm hiện có giá 50.000 đồng/kg. Nghe ngành chức năng triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cá diêu hồng thương phẩm tại hồ Định Bình, người nuôi chúng tôi mừng hết sức. Hy vọng dự án này sẽ mở rộng đường tiêu thụ cho nghề nuôi cá nước ngọt, trong lòng hồ thủy lợi ở Bình Định”, anh Nhị cho hay.

Bất ngờ loài cá nuôi ở huyện miền núi Bình Định bay sang Nhật Bản làm món sashimi khoái khẩu- Ảnh 6.

Nông dân ở huyện miền núi Bình Định phát triển kinh tế từ nghề nuôi cá diêu hồng. Ảnh: QN.

Anh Nguyễn Trọng Độ ở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) năm nay 48 tuổi và đã có gần 10 năm nuôi cá trong lòng hồ Định Bình. Hiện anh Trọng đang nuôi 3 lồng cá diêu hồng, mỗi lồng nuôi có thể tích 40m3 thả nuôi 5kg cá giống (khoảng 150 – 160 con).

Theo anh Độ, nếu tuân thủ quy trình nuôi do Trung tâm Khuyến nông Bình Định hướng dẫn, cá nuôi tổn thất rất ít, sau 5 – 6 tháng từ khi thả giống sẽ cho năng suất từ 15 – 18kg/m3.

 

Theo ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đến cuối tháng 9/2023, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt ở Bình Định đạt khoảng 2.260ha với các hình thức nuôi cá thâm canh, bán thâm canh trong ao và nuôi lồng bè trong hồ chứa thủy lợi.

Đối tượng nuôi chủ yếu là cá diêu hồng, rô phi đơn tính, cá lăng, cá thát lát, cá tầm, trong đó thể tích nuôi cá lồng trong các hồ chứa là 593 lồng/31.980m3.

Hiện nay, Bình Định có 164 hồ chứa thuỷ lợi lớn nhỏ, đây là tiềm năng lớn của nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt bằng lồng bè.

Trong đó hồ chứa nước Định Bình là vùng nuôi chính, chiếm khoảng 60% tổng thể tích nuôi cá lồng toàn tỉnh, sản lượng đạt khoảng 800 tấn cá thương phẩm các loại, chiếm 60% sản lượng cá nước ngọt của Bình Định, trong đó sản lượng cá diêu hồng chiếm khoảng 70% về thể tích lồng nuôi và sản lượng.

Bất ngờ loài cá nuôi ở huyện miền núi Bình Định bay sang Nhật Bản làm món sashimi khoái khẩu- Ảnh 8.

Lồng bè được trang bị đầy đủ để nuôi cá diêu hồng. Ảnh: QN.

Ông Huỳnh Việt Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho hay, sản lượng cá diêu hồng nuôi trong lòng hồ Định Bình có thể cung ứng ra thị trường khoảng 500 tấn/năm, nhưng đó mới chỉ tính sản lượng người dân nuôi tự phát.

Khi đã có Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 10%, việc tăng thêm vài chục lồng nuôi để tăng sản lượng thêm 100 – 200 tấn/năm nhằm cung ứng đủ theo yêu cầu của doanh nghiệp là chuyện nằm trong tầm tay.

“Những năm tới, nếu doanh nghiệp còn có nhu cầu tăng sản lượng thu mua cá diêu hồng thì với 164 hồ thủy lợi, Bình Định cũng có thể thoải mái đáp ứng”, ông Hùng kỳ vọng.