Các căn nhà tập thể cũ Kim Liên, Nghĩa Tân (TP Hà Nội) thời gian qua đang được đẩy giá ngang căn hộ chung cư, được nhiều người săn lùng dù hiện trạng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ghi nhận của PV Lao Động sáng ngày 15.5 cho thấy, dù có hiện trạng xuống cấp, ẩm ướt, thế nhưng nhiều căn nhà tập thể cũ Kim Liên, Nghĩa Tân (Hà Nội) thời gian qua có giá bán từ 50-70 triệu đồng/m2, khiến người mua không khỏi bất ngờ.
Anh Trần Xuân Hoàng (sinh sống ở khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa) thông tin, dù có hiện trạng xuống cấp, thế nhưng, khu nhà tập thể nhà anh gần đây đang được nhiều người dân tìm mua với mức giá đắt đỏ, ngang ngửa căn hộ chung cư.
Anh Trần Xuân Hoàng chia sẻ thêm, hồi cuối năm 2023, giá nhà tập thể tại đây chỉ dao động trong khoảng 40-45 triệu đồng/m2, thế nhưng đến nay đã tăng vọt lên 50-70 triệu đồng/m2.
“Nhiều căn nhà tập thể tại đây có diện tích sổ 40m2, diện tích sử dụng là 100m2 đang có giá bán 5 tỉ đồng/căn, tương đương khoảng 50 triệu đồng/m2. Dù đã được xây dựng cách đây hàng chục năm nhưng căn nhà tập thể cũ vẫn có sức hút, được nhiều người lùng mua khi nằm ở trung tâm Hà Nội, có tiện ích xung quanh đầy đủ, gần công viên, trường học” – anh Trần Xuân Hoàng nói.
Tương tự, chị Lê Thị Nguyệt (sở hữu căn nhà tập thể cũ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) chia sẻ, do không còn nhu cầu sử dụng nên gia đình chị đang rao bán gấp căn nhà tập thể.
Theo chị Nguyệt, căn nhà tập thể đang rao bán có diện tích khoảng 58m2, giá bán 2,7 tỉ đồng, tương đương 48 triệu đồng/m2. Dù nằm trong khu tập thể cũ nhưng chị Nguyệt cho biết, hiếm có căn nhà nào thoáng mát, vừa có thể ở và cho thuê.
Tuy nhiên, dù mức giá được rao bán được đẩy lên khá cao, hiện vẫn chưa có các dữ liệu về lượng giao dịch thực tế tại các khu vực này. Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Thế Anh – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – cho biết, trong bối cảnh nguồn cung dự án nhà ở mới trong nội đô khan hiếm như hiện nay thì giá căn hộ tập thể cũ dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng cao.
Theo ông Nguyễn Thế Anh, trong thời gian vừa qua, phân khúc nhà tập thể cũ gần như đã bị lãng quên bởi chưa có những phương án tối ưu để cải tạo. Tuy nhiên, sau khi các bộ ngành, TP Hà Nội liên tục có động thái thúc đẩy việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cùng với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã “đánh thức” loại hình này.
Đặc biệt, với những căn nhà tập thể cũ ở các quận trung tâm Hà Nội như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, việc mua bán và thanh khoản thường rất dễ dàng, nhanh chóng, điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà tại các khu vực này thường được đẩy lên rất cao.
Tuy nhiên, thông tin với Lao Động ngày 14.5, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội – cũng lưu ý rằng, dù phân khúc nằm ở trung tâm TP Hà Nội nhưng việc mua bán căn nhà tập thể cũ, người mua cần chú ý đến diện tích thực.
Bởi lẽ, trong quá trình sinh sống, nhiều hộ dân đã cơi nới thêm chuồng cọp rộng hàng chục m2, làm giảm giá trị khi chủ sở hữu có nhu cầu chuyển nhượng. Người mua cũng cần lưu ý việc cải tạo, cơi nới diễn ra phổ biến tại các khu tập thể cũ khiến diện tích thực tế trong sổ đỏ thường nhỏ hơn nhiều diện tích được rao bán…